Trường Tiểu học và THCS A Túc có 576 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó 93,4% là học sinh người đồng bào DTTS. Giữa tháng 5/2024, nhà trường đã chủ động phối hợp với Tổ chức Plan xây dựng Đề án hỗ trợ Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống của đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô.
Câu lạc bộ ra đời đã góp phần giúp giáo viên và học sinh lưu giữ nét truyền thống văn hoá từ lâu đời của đồng bào. Đồng thời, tạo việc làm, định hình và mở ra cơ hội khởi nghiệp đầy tiềm năng cho nhiều giáo viên và học sinh người DTTS. Qua đó, tạo môi trường giáo dục mở, vừa học kiến thức vừa gắn với hướng nghiệp cho học sinh yêu mến nghề dệt truyền thống.
Sau gần 2 tháng thành lập, CLB khởi nghiệp dệt thổ cẩm đã có 27 thành viên là giáo viên, học sinh tham gia chính thức. Cùng với đó có hơn 168/576 học sinh tham gia học may và dệt thổ cẩm. Khi thành lập CLB nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh, phụ huynh và Nhân dân địa phương.
Em Hồ Thị Hâu, học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS A Túc-thành viên CLB chia sẻ: “Khi được tham gia CLB tại trường, em cảm thấy rất vui vì em được tìm hiểu về nghề truyền thống của dân tộc mình. CLB trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về nghề dệt cho em, giúp em có định hướng về nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, khi tham gia CLB em có cơ hội bồi đắp thêm tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Để CLB hoạt động có hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường, Tổ chức Plan, Ban Chủ nhiệm CLB khảo sát, tìm hiểu thực trạng nghề dệt thổ cẩm. Rồi xây dựng kế hoạch hoạt động và thành lập tổ học dệt thổ cẩm tại trường. Thời gian học nghề linh hoạt vào buổi tối và ngày nghỉ của giáo viên và học sinh.
Trong thời gian này, Tổ chức Plan hỗ trợ thiết kế mẫu sản phẩm cho các thành viên CLB học và thực hành như: Túi xách, ba lô, khăn quàng cổ, giày, khăn trải bàn, vỏ gối, võng, cà vạt, móc khóa, ví cầm tay... với mong muốn mẫu sản phẩm từ vải thổ cẩm đa dạng phục vụ thị hiếu, nhu cầu khách hàng.
Tổ chức Plan cũng hỗ trợ nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị như: Máy khâu, máy vắt sổ, sợi chỉ, sợi len, cườm và phụ kiện, dây dù, kéo cắt chỉ, cắt vải... Hỗ trợ tập huấn, dạy nghề, tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, Tổ chức Plan còn hỗ trợ hoạt động quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm cụ thể như: dựng pa nô tại sân trường và tranh về hoạt động dệt thổ cẩm, người mặc trang phục thổ cẩm; trưng bày các sản phẩm vải thổ cẩm, thành phẩm (quần, áo, chân váy, áo dài,...), máy móc, khung dệt... tại phòng truyền thống nhà trường; quảng bá các hoạt động, sản phẩm của CLB qua các nên tảng mạng xã hội zalo, facebook...
Cô giáo Hồ Thị Hậu, Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB ra mắt là bước khởi đầu để từng bước khôi phục và lan tỏa nghề dệt truyền thống. Thời gian tới, đặc biệt là trong hè năm nay các em sẽ được các nghệ nhân tại địa phương truyền dạy các bước cơ bản như lên khung, xếp sợi, tạo hình và dệt sản phẩm cụ thể, thực hành và trải nghiệm nghề dệt tại trường học. Hy vọng, CLB sẽ là sân chơi bổ ích đối với các em học sinh”.