Quảng Ninh là tỉnh có thế mạnh và tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó 16/17 vùng tăng quy mô diện tích so với kế hoạch. Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có gần 1.065ha diện tích vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; trên 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; 419 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp; 189 đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP với 499 sản phẩm đạt chứng nhận từ 3 đến 5 sao.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương được quảng bá rộng rãi đến thị trường ngoài tỉnh và khách quốc tế. Đến nay, đã có trên 40 cơ sở với trên 60 mã sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn công nghiệp…
Hội nghị là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; tìm giải pháp khắc phục trong quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và cung ứng hàng hóa ra thị trường. Đồng thời là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, kết nối với bạn hàng tin cậy, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Trên cơ sở những ý kiến tham gia, đóng góp của các đại biểu, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Quảng Ninh sẽ tiếp tục quan tâm rà soát, cơ cấu lại vùng sản xuất tập trung, đa dạng hóa các sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trên các phương tiện thông tin, sàn thương mại điện tử; thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm nông sản thực phẩm chất lượng cao,…
Cũng tại Hội nghị, 5 cặp đại diện cơ sở sản xuất và đơn vị tiêu thụ đã thực hiện ký biên bản ghi nhớ, cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đây sẽ là dịp mở ra cơ hội để ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh và bền vững.