Từ đẩy mạnh sản xuất
Có dịp đến thăm những bản làng vùng cao của huyện Sông Mã (Sơn La) vào khoảng tháng 6, 7 sẽ không khó để bắt gặp cảnh nông dân nơi đây đang chở những gùi hàng đầy ắp xoài, nhãn, chanh leo… để tập kết ra các xe hàng chở đi tiêu thụ trên khắp cả nước.
Anh Lò Văn Pinh, ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã vui vẻ chia sẻ, từ khi chuyển sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây nhãn, bà con đã có được nguồn thu ổn định hơn rất nhiều. Nhãn không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất đi nước ngoài nên thu nhập của bà con tăng cao. Ai cũng phấn khởi!
Huyện Mai Sơn là địa phương có thế mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La như: Thanh long, nhãn, xoài... Hiện Mai Sơn có hơn 10.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt 41.500 tấn. Có 87ha được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu, 112ha được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Anh Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX Xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh cho biết: Sản xuất theo quy trình an toàn không xử dụng các loại hóa chất, thì cây trồng phát triển chậm, nhưng bù lại là trái cây trồng ra luôn bảo đảm các quy định của phía doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thành sản phẩm cao hơn, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Không phải ngẫu nhiên, nông sản của Sơn La có bước chuyển biến mạnh mẽ như vậy. Thành quả này bắt đầu từ chủ trương, nghị quyết chuyên đề quan trọng của tỉnh trong lĩnh vực kinh tế, trong đó chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2020, HÐND tỉnh cũng đã ban hành 3 nghị quyết liên quan đến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản mang lại làn gió mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.
Từ chủ trương đúng đắn, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trở thành một trong những vựa cây ăn quả lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 80.000ha. Trong đó, có hơn 9.780ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GlobalGAP, với 16 sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang 12 nước, trong đó có nhiều thị trường khó tính.
Đến hỗ trợ tiêu thụ
Có được nguồn nông sản chất lượng đã khó, nhưng để tiêu thụ tại các siêu thị lớn và xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Nga… còn khó khăn gấp bội. Để giải bài toán này, những năm gần đây, Tỉnh ủy Sơn La liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, tỉnh còn thành lập Ban Chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Theo đó, để tăng giá trị cho nông sản địa phương, mỗi một sản phẩm chủ lực chuẩn bị đến vụ thu hoạch, Ban Chỉ đạo tỉnh lại tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm tại các thành phố lớn trong và ngoài nước. Đáng chú ý, công tác xúc tiến thương mại được cả hệ thống chính trị vào cuộc, thậm chí, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đứng ra xúc tiến tiêu thụ, xây dựng hình ảnh cho nông sản Sơn La.
Minh chứng như trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến nông sản bị ùn ứ, đứt gãy chuỗi cung ứng, UBND tỉnh Sơn La đã chuyển hướng tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn giữa điểm cầu vùng trồng nhãn Sông Mã với 2 điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường Trung Quốc...
Các giải pháp đồng bộ đã giúp nông sản Sơn La được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu nông sản của Sơn La trong năm 2020 vẫn đạt chỉ tiêu đề ra.
Những thành quả trong việc xuất khẩu nông sản của Sơn La đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá là “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” khi từ một tỉnh chỉ “quanh năm bán sắn, bán ngô” nay đã phát triển mạnh kinh tế rừng, đẩy nhanh phát triển cây công nghiệp, mang lại sức sống hoàn toàn khác biệt.