Nỗi lo đuối nước ở trẻ trong dịp hè
Thời tiết nắng nóng, nhiều người lớn, trẻ nhỏ tìm đến các bãi tắm tự phát, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS để giải nhiệt bất chấp những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra. Hiện nay, các bãi tắm ao, hồ, sông, suối tự phát đều không có người quản lý và cứu hộ. Những bãi tắm tự phát này tiềm ẩn nguy cơ bị đuối nước, để lại những hậu quả khó lường.
Nhìn những đứa trẻ trong thôn rủ nhau lội nước, tắm mát ở con suối gần nhà vào các buổi chiều Hè nóng nực, anh Nguyễn Quang Hà - thôn Trại Mít, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, bộc bạch: Biết là nguy hiểm, nhưng người lớn không thể lúc nào cũng có mặt để khuyên ngăn con em mình. Trẻ em vùng nông thôn thì quá hiếu động, ưa mạo hiểm, sẵn sàng trốn gia đình để tụ tập đùa nghịch với bạn bè, không thể lường trước được những sự cố có thể xảy ra.
Giải pháp của các địa phương, đơn vị chức năng đối với những khu vực này là cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những nơi không được phép tắm. Nhưng trên thực tế, nhiều người dân vẫn bất chấp xuống tắm nhất là mỗi khi nắng nóng kéo dài, đã khiến trẻ em bắt chước theo. Qua tìm hiểu, toàn tỉnh Quảng Ninh mới chỉ có trên 50% học sinh trong độ tuổi từ 6 - 16 tuổi biết bơi. Tuy nhiên, điều rất đáng lo lắng, cho dù các em biết bơi, nhưng không đồng nghĩa với việc các em đã thực sự an toàn ở môi trường nước, bởi các em rất thiếu kỹ năng sinh tồn. Vì vậy, ngoài việc học bơi thì việc giáo dục ý thức phòng chống đuối nước, tự sinh tồn để bảo vệ bản thân và giúp đỡ người xung quanh là rất cần thiết.
Chị Lưu Thị Thúy - 37 tuổi, phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long chủ động tìm lớp học bơi cho con trai 5 tuổi. Chị Thúy cho biết hai con gái đầu cũng cho học bơi khá sớm và đã bơi rất thành thạo. Tuy nhiên, cậu con trai út hiện chưa biết bơi, nhưng tính lại hiếu động và rất thích nghịch nước, nên gia đình cũng lo về sự an toàn của cháu.
“Với nhiều tai nạn đã xảy ra, tôi thấy việc học bơi cho con là rất cần thiết. Tôi đã tìm cho con một lớp học bơi ở Trường THCS Hà Trung với giá 1.000.000 đồng/cháu. Xung quanh nhà tôi, hàng xóm cũng cho con đi tập bơi ở bãi biển, hoặc ở các điểm dạy bơi, các trường học. Điều mà gia đình tôi quan tâm nữa, là ngoài dạy các con biết bơi, các huấn luyện viên cũng cần quan tâm tăng cường trang bị cho các con những kỹ năng để ứng phó với tình huống bất ngờ xảy ra”, chị Thúy chia sẻ.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Năm 2023, Quảng Ninh ghi nhận 23 trẻ em tử vong do đuối nước. Tính đến ngày 2/6/2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ đuối nước, làm tử vong 5 trẻ. Các vụ đuối nước chủ yếu tập trung ở Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái, Đông Triều... Mặc dù, số vụ đuối nước giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nguy cơ đuối nước vẫn tiềm ẩn và cần sự vào cuộc quyết liệt của mỗi gia đình, các cấp chính quyền địa phương.
Mới đây, ngày 1/6, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa văn bản số 1382/UBND-VHXH yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo đảm an toàn cho thanh, thiếu nhi, học sinh, nhất là phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, xác định trách nhiệm cho người đứng đầu UBND cấp xã, cấp thôn trong việc tuyên truyền đến các hộ dân về công tác quản lý trẻ em, học sinh, sinh viên, phổ biến các kỹ năng phòng chống đuối nước. Tổ chức cho 100% các hộ dân trên địa bàn ký cam kết quản lý trẻ em, học sinh và phổ biến các kỹ năng phòng chống đuối nước, xong trước ngày 20/6/2024.
Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho rằng: "Hiện nay, ngoài các hoạt động dạy bơi trong nhà trường, ở các điểm dạy bơi, các địa phương phải tổ chức tốt phong trào dạy bơi cho trẻ em, tiến tới trở thành phong trào toàn dân để người lớn có thể hỗ trợ, giúp cho trẻ; phấn đấu trẻ em trong độ tuổi từ 6-16 tuổi được học kỹ năng bơi, được trang bị kỹ năng ứng phó với tình huống xấu... đạt tỷ lệ cao nhất.