Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm
"Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng ở nước ta, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em. Do đó, trước mỗi dịp nghỉ hè, Cục Trẻ em đã có nhiều chương trình thông tin, khuyến nghị cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nắm được các nguy cơ gây đuối nước và các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em".
Ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Đến nay, người dân thôn Khòn Chả, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình vẫn còn đau xót, thương tâm về vụ việc 2 học sinh bị đuối nước tại đoạn sông chảy qua thôn hồi cuối tháng 4. Cụ thể một nhóm học sinh rủ nhau ra đoạn sông gần khu vực đình Vằng Khắc, thôn Khòn Chả để chơi, tắm. Trong khi chơi có 2 em bị đuối nước. 2 em đều là học sinh lớp 8, Trường THCS Vân Mộng, huyện Lộc Bình.
Theo thống kê, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 3 học sinh bị đuối nước khi chơi, tắm tại đập, sông thuộc xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng và xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. Tính chúng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 11 vụ tai nạn đuối nước, trong đó có 8 trẻ em tử vong (tăng 4 trẻ em tử vong so với cùng kỳ năm 2023).
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tại một số địa phương cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm liên quan đến trẻ em. Điển hình, như tại Hà Nam xảy ra 2 vụ đuối nước làm 4 thanh, thiếu niên thiệt mạng tại xã Liêm Tuyền, Tp. Phủ Lý và xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; 3 học sinh bị đuối nước tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; 2 em nhỏ tử vong khi tắm sông tại chân cầu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 1 - 4 tuổi và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 - 19 tuổi. Hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Đây thực sự là con số rất xót xa, là gánh nặng đối với an toàn của trẻ và gây tổn thương đến hạnh phúc của rất nhiều gia đình.
Nguyên nhân chủ yếu của đuối nước, chủ yếu là do các em nhỏ không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; trẻ em thiếu sự giám sát của cha, mẹ và người chăm sóc; môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em; nhiều nơi nguy hiểm dễ gây đuối nước, nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng chống đuối nước cho trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm cũng như chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có từ 6 - 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng ở nước ta, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em. Do đó, trước mỗi dịp nghỉ hè, Cục Trẻ em đã có nhiều chương trình thông tin, khuyến nghị cha mẹ, những người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nắm được các nguy cơ gây đuối nước và các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Theo đó, đã có nhiều hoạt động về phòng chống đuối nước trẻ em đã được triển khai, như: Truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; phát triển kỹ năng an toàn cho trẻ em; triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn tại các tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao; xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng; nâng cao năng lực hỗ trợ cho cán bộ địa phương; tăng cường công tác liên ngành, kiểm tra, giám sát và hình thành mạng lưới phòng chống đuối nước trẻ em...
Để giảm đến mức thấp nhất số lượng trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là trong dịp Hè, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt và hiệu quả các Chương trình của Chính phủ, như: Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.
Có thể nói, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Vì thế, để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, cần có sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Và trên hết sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình là điều quan trọng nhất để có thể tránh những hậu quả đáng tiếc, đau buồn do đuối nước gây ra.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi.