Chuyển biến tích cực
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Kết luận về đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách để tạo chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực miền núi của tỉnh.
Sự thay đổi dễ nhận biết nhất ở các huyện miền núi Quảng Ngãi là, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá toàn diện. Hiện nay, tất cả các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 98,7% hộ được sử dụng điện; 91% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn; trên 90% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm…
Hệ thống trường lớp học, nhà ở công vụ cho giáo viên cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu dạy và học của các bậc học; chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể. Mạng lưới y tế ở khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển và được đầu tư xây dựng kiên cố. Đến nay có 58/67 Trạm Y tế được đầu tư xây dựng kiên cố đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 42/67 Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Ông Nguyễn Đức On, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với những gì đã đạt được có thể xem là thành công của Quảng Ngãi trong việc triển khai, thực hiện các chính sách dân tộc. Kinh tế cũng có sự phát triển đáng kể, giá trị sản xuất toàn vùng miền núi đạt trên 5.162 tỷ đồng, thu nhập bình quân hộ DTTS ước đạt 24 triệu đồng/người/năm. Đó là những con số minh chứng cho sự chuyển mình của khu vực miền núi.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Theo ông Nguyễn Đức On, từ nay đến năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh.
“Việc hoàn thành các mục tiêu này sẽ đưa khu vực miền núi và vùng đồng bào các DTTS của tỉnh trở thành khu vực có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn; rút ngắn khoảng cách với các khu vực khác trong tỉnh, nhưng vẫn giữ được môi trường thiên nhiên, sinh thái tự nhiên, bảo đảm cho sự phát triển bền vững không chỉ cho khu vực miền núi, mà còn cho cả tỉnh”, ông On cho biết.
Để đạt mục tiêu đó, một giải pháp được các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương chú trọng là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh phát triển KT-XH, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng, chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của đồng bào các DTTS và miền núi. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của đồng bào các DTTS.