Đến Trường THCS Dân tộc nội trú Minh Long, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) vào các ngày thứ 2, thứ 5, thứ 7 hằng tuần sẽ thấy, toàn bộ học sinh của trường đều mặc trang phục dân tộc đến lớp. Ngôi trường này chủ yếu là học sinh dân tộc Hrê, vì vậy, từ khi nhà trường đưa trang phục dân tộc Hrê trở thành đồng phục bắt buộc, không gian trường học đã trở nên sinh động rực rỡ hơn.
Em Đinh Thị Vân, học sinh của trường chia sẻ: “Trang phục truyền thống của dân tộc em duyên dáng và nổi bật không kém các trang phục hiện đại. Vì vậy, em cảm thấy rất vui và tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình để đến lớp”.
Theo cô Trần Thị Ngọc Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Minh Long, thời nay, học sinh của nhà trường tiếp cận rất nhanh với các mẫu thời trang hiện đại khiến các em dần lãng quên trang phục truyền thống của mình. Bên cạnh đó, nhiều gia đình người đồng bào Hrê không còn mặn mà với việc may trang phục để mặc hằng ngày cho con em. Vì vậy, việc nhà trường đưa trang phục dân tộc Hrê trở thành đồng phục bắt buộc 3 ngày/tuần đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục các em bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Hiện nay, các trường ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn đặc biệt chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách lồng ghép vào chương trình học các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, mang đến hiệu ứng tích cực. Đơn cử như, Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây, tổ chức hoạt động ngoại khóa thăm quan các làng đồng bào DTTS trong tỉnh để các em thỏa niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc của mình.
Thầy Lê Hoài Thạnh Trường THPT nội trú THCS Sơn Tây cho biết, các trường phổ thông dân tộc nội trú luôn là môi trường gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc hiệu quả nhất. Cùng với việc dạy và học, nhận thức được việc giáo dục truyền thống dân tộc vùng cao nói chung và dân tộc Cadong (nhóm địa phương của dân tộc Xơ-đăng) nói riêng cho thế hệ trẻ ở trường là việc làm hết sức cần thiết. Trong năm học vừa qua, trường đã đặc biệt chú trọng đưa văn hóa truyền thống vào trong trường học bằng nhiều hình thức khác nhau; thu hút sự quan tâm đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh và các nghệ nhân.
Ngoài ra, những năm gần đây, cứ mỗi độ Xuân về, nhiều trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh lại tổ chức cho học sinh vui Tết Ngã rạ. Đây là Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Cor, được tổ chức vào những tháng cuối năm để kết thúc một năm tăng gia sản xuất và đánh dấu một vụ mùa mới được bắt đầu. Khi gia đình cuối cùng đưa lúa lên chòi cũng là lúc già làng quyết định cả làng ăn Tết Ngã rạ. Lúc này, các trường học cũng lần lượt tổ chức cho học sinh ăn Tết Ngã rạ.
Bên cạnh đó các hoạt động văn nghệ, biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào Cor cùng với các hoạt động khác như: Kéo co, đấu chiêng, nấu bánh mũi tên (bánh lá đót)... diễn ra sôi nổi, hào hứng, thu hút nhiều học sinh tham gia. “Học sinh của trường đa số là dân tộc Cor. Vì vậy, năm nào trường cũng tổ chức cho các em ăn tết Ngã rạ tại trường nhằm giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp học sinh thêm yêu dân tộc mình” Hiệu trưởng Trường PTDTNT Tây Trà Nguyễn Công chia sẻ.
Hiện nay, các trường ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn đặc biệt chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách lồng ghép vào chương trình học các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, mang đến hiệu ứng tích cực. Đơn cử như, Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây, tổ chức hoạt động ngoại khóa thăm quan các làng đồng bào DTTS trong tỉnh để các em thỏa niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc của mình.