Tại tỉnh Quảng Ngãi, Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp với hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ đêm 30/3 đến ngày 2/4, khu vực tỉnh Quảng Ngãi có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến 150 - 250 mm, có nơi trên 350 mm. Ngoài ra, khả năng từ ngày 2/4, do ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nên vùng biển Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh. Vùng ven biển cấp 5, cấp 6, giật cấp 7.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa từ bản tin dự báo, cảnh báo nhằm chủ động các biện pháp ứng phó. Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng thấp để triển khai các biện pháp di dời, sơ tán Nhân dân trong khu vực đến nơi an toàn (nhất là các khu vực đã bị sạt lở do mưa, lũ năm 2021 chưa được khắc phục) khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch các diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đã chín, có thể thu hoạch, huy động phương tiện hỗ trợ tiêu úng trên các cánh đồng để hạn chế thiệt hại về sản xuất.
Chủ động vận hành các công trình thủy lợi để tiêu úng, thoát lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Bảo đảm an toàn người lao động, công trình và thu dọn các vật cản trên sông, suối bảo đảm thoát lũ đặc biệt các công trình đang thi công.
Ứng phó thời tiết nguy hiểm trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Chủ động cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả tuyến vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.
Duy trì thông tin liên lạc, thông báo các chủ tàu, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động ứng phó bảo đảm an toàn. Đối với nuôi trồng thủy sản, tàu, thuyền, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ địa phương và Nhân dân ứng phó mưa lớn trên đất liền và thời tiết nguy hiểm trên biển…
Tại tỉnh Bình Định, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp với hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày 30/3 đến ngày 2/4, ở khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Tổng lượng mưa phổ biến ở phía bắc tỉnh (các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn) từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Phía Nam tỉnh (các huyện Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và Tp. Quy Nhơn) từ 80 - 120 mm, có nơi trên 150 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.