Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào DTTS và miền núi theo thứ tự ưu tiên. Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; trong đó ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong lộ trình giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến. Củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trên 3%; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 499 hộ; giải quyết đất ở cho 129 hộ; hỗ trợ hộ chưa có nhà, xóa nhà tạm cho 156 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 642 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.298 hộ.
Bên cạnh đó, giao khoán bảo vệ rừng 43.881 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 10.845 ha; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 410 ha; trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ 1.151 ha; trợ cấp gạo cho hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo tham gia giao khoán bảo vệ rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ là 2.053.620 kg/11.409 khẩu; nâng cao năng lực cho 360 cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và địa phương đối ứng năm 2024 (chưa bao gồm kinh phí năm 2022 và năm 2023 chuyển sang năm 2024) là 883.752 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 768.989 triệu đồng và ngân sách địa phương đối ứng là 114.583 triệu đồng.
Để triển khai đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam giao các cơ quan, đơn vị và địa phương thụ hưởng Chương trình tổ chức rà soát nguồn vốn năm 2023 chưa sử dụng hết, đồng thời cùng với nguồn vốn phân bổ năm 2024, qua đó tổng hợp, đề xuất trình HĐND tỉnh quyết định cho chuyển nguồn vốn từ dự án này sang dự án khác trong cùng Chương trình, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các nội dung ở từng tiểu dự án, dự án phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, lồng ghép hiệu quả các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện các mục tiêu; đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình, nhất là huy động các nguồn lực từ vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương và sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện.
Các địa phương căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024 xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024; chỉ đạo UBND, Ban Chỉ đạo các địa phương chủ động tham mưu HĐND cùng cấp ban hành các nội dung hỗ trợ đặc thù thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, thực chất và bền vững. Bố trí đầy đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình theo tiến độ.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chỉ đạo phát triển các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã và đang hình thành đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn, đẩy mạnh phát triển đường cây xanh bóng mát. Phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh về lâu dài.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về các nội dung, chính sách mới trong việc thực hiện Chương trình. Giải ngân vốn được giao năm 2024 bao gồm vốn năm 2022 và vốn năm 2023 chuyển sang đảm bảo giải ngân đạt 100% theo kế hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện ở các cấp, các ngành. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, người có uy tín; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân…