Tập trung hỗ trợ người dân
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam có sự thay đổi nhanh chóng, nhất là ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng đồng bộ. Đời sống kinh tế của người dân từng bước được nâng lên. Có được điều này là do chính sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Địa phương phần lớn là đồng bào DTTS, đời sống còn khó khăn, do đó công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nguồn lực và thực trạng nghèo tại địa phương. Nhờ đó, hàng trăm hộ dân đã được hỗ trợ về sinh kế, nhà ở, chuyển đổi nghề, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, địa phương đã giải ngân gần 10 tỷ đồng trong tổng số vốn được phân bổ năm 2024 là 13,5 tỷ đồng để triển khai 24 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 400 hộ dân. Đồng thời, với hơn 5,5 tỷ đồng được giải ngân thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình, huyện đã hỗ trợ 9 dự án sản xuất cộng đồng cho 108 hộ dân, chuyển đổi nghề cho hơn 700 hộ.
Riêng Dự án 5, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện phân bổ 13,4 tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 400 hộ dân. Ngoài ra, đối với nguồn vốn từ các dự án, tiểu dự án không thực hiện được, huyện điều chỉnh sang để thực hiện xóa nhà tạm cho 456 hộ, trong đó xây mới 284 nhà, sửa chữa 172 nhà.
Là một trong những hộ nghèo ở xã Phước Đức (huyện Phước Sơn) được hỗ trợ về nhà ở, bà Hồ Thị Nhíp (SN 1982, ngụ thôn 2) đến nay vẫn chưa hết vui mừng. “Chồng mất sớm, một mình tôi lo cho 2 con ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ, mẹ con tôi đang xây nhà mới kiên cố hơn. Vừa rồi, tôi cũng được vay vốn 100 triệu đồng để làm ăn, tôi rất biết ơn các cấp”, bà Nhíp chia sẻ.
Còn tại xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), chính quyền đã hỗ trợ giải quyết nhà ở, đất ở và chuyển đổi nghề cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân...
Bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn chia sẻ: Từ nguồn lực của các Chương trình MTQG, hàng trăm hộ dân được chuyển đổi nghề nghiệp và xây dựng được nhà mới, được cấp con giống như heo, bò, trâu để phát triển sinh kế. Có thể nói, các chương trình, chính sách dân tộc đã tác động mạnh mẽ, giúp những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở địa phương.
Thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi
Ông Hà Ra Diêu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, các chủ trương, chính sách được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển rõ rệt. Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp cho nhiều địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở và sinh kế cho người dân.
Từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của chương trình đã khơi dậy nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất. Đồng thời, từng bước giải quyết nhu cầu thiết thực cho các hộ sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân. Qua đó, đời sống tinh thần, vật chất của người dân từng bước được nâng lên, nhất là tốc độ giảm nghèo ngày càng nhanh.
Đến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đã có sự thay đổi rất rõ rệt, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông nông thôn; hạ tầng, trang thiết bị trường lớp nội trú, bán trú ngày càng khang trang, đảm bảo cho việc dạy và học. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, môi trường, sinh thái vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản được đảm bảo.
Cụ thể, từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, tỉnh đã đầu tư xây dựng 313 danh mục công trình các loại; trong đó 92 công trình giao thông, 53 công trình trường học, 34 công trình nước sinh hoạt, 56 nhà sinh hoạt cộng đồng và 78 công trình khác. Đồng thời giúp 735 lao động chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ; thực hiện hỗ trợ xoá nhà tạm cho 512 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp đến thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước. Nhận thức của đồng bào các DTTS từng bước thay đổi trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới.
Các chương trình MTQG cũng tác động sâu sắc đến đời sống sinh kế của người dân, thúc đẩy sự tự nổ lực vươn lên của họ, từ đó dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua giảm rõ rệt, vượt mức so với các chỉ tiêu đưa ra. Cụ thể, giai đoạn 2022 – 2023 tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS là 10%, gấp 3 lần so với chỉ tiêu đưa ra…
“Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nghèo giảm xuống còn dưới 15% và thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng lên 40 triệu đồng mỗi năm, trong thời gian tới, các cấp, ngành ở địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa việc phân bổ, giải ngân vốn của Chương trình để thực hiện các dự án, tiểu dự án”, ông Hà Ra Diêu thông tin thêm.