Thay đổi diện mạo vùng cao
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Quảng Nam đã có sự thay da đổi thịt, nhất là ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Những căn nhà xập xệ nay đã được khoác áo mới, nhiều tuyến đường bê tông sạch đẹp nối đến tận các ngõ nhà dân. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư mới, khang trang. Đây chính là thành quả từ sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong việc thực hiệu quả các chính sách dân tộc, làm khởi sắc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với đa số là đồng bào DTTS sinh sống, trong đó đông nhất là đồng bào Gié Triêng. Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ giảm nghèo ngày càng tăng, bộ mặt nông thôn dần được cải thiện.
Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện đã phân bổ nguồn vốn đầu tư hơn 51/80 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 50 công trình các loại (chuyển tiếp từ năm 2023) để đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, địa phương cũng giao cho Ban Quản lý dự án huyện và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện 30 công trình mới trong năm 2024.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp hơn 101 tỷ đồng, Phước Sơn đã giải ngân hơn 31 tỷ đồng để chuyển sang bố trí sắp xếp dân cư cho hàng trăm hộ dân; hỗ trợ sinh kế theo chuỗi giá trị cho người dân trên địa bàn 11 xã, thị trấn. Đến nay, với sự hỗ trợ về con giống như bò, trâu, dê, hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn đã từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Hồ Văn Tiết (SN 1988, xã Phước Đức) được hỗ trợ 2 con bò giống từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Anh chị đã tận tình chăm sóc bò, đến nay bò mẹ đã lớn và sắp sinh bê nhỏ. Anh Tiết cho biết: "Gia đình chủ yếu bám rẫy, nguồn thu nhập không đủ trang trải những chi phí sinh hoạt trong nhà. Từ khi nghe có tên trong danh sách được hỗ trợ bò, vợ chồng tôi rất mừng. Vợ chồng rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho bò để chăn nuôi. Chúng tôi hi vọng cuối năm nay bò cái sẽ sinh bò nghé, làm tăng thêm đàn bò”, anh Tiết phấn khởi nói.
Còn tại huyện Đông Giang, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, địa phương đã đẩy mạnh triển khai, hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân về nhà ở, sinh kế, cũng như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người của dân được nâng lên đáng kể (từ 35 triệu đồng năm 2022 nay tăng lên 38 triệu đồng/năm).
Qua 3 năm triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện Đông Giang được đầu tư tương đối đồng bộ, với 100% số thôn có đường giao thông thuận lợi; 96% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt tập trung; 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
“Nhờ triển khai hiệu quả các chương trình mục tiệu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, diện mạo nông thôn mới ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, giao thông đi lại thuận lợi, con em học tập trong các ngôi trường mới khang trang, người dân hăng say lao động sản xuất. Thời gian tới, huyện sẽ nổ lực phân bổ, giải ngân nguồn vốn để tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình”, ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, địa phương đã đạt được nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và nâng cao ý thức phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.
Từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình đã khơi dậy nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất của bà con. Theo đó, địa phương đã khéo léo lồng ghép vốn để từng bước giải quyết nhu cầu thiết thực cho người dân như sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Đồng thời, Chương trình cũng giúp nâng cao mức sống văn hoá, tinh thần, vật chất cho người dân. Qua đó, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, cơ bản bảo vệ được rừng, tăng độ che phủ; đảm bảo môi trường sinh thái, củng cố và ổn định vững chắc an ninh chính trị, đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh, nhà văn hóa, nâng cấp sửa chữa trường học… ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Việc đẩy mạnh triển khai Chương tình còn góp phần giải quyết các nhu cầu thiết thực như nhà ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ông Đặng Tấn Giản, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần giúp cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc.
Đơn cử như về cơ sở hạ tầng, với số vốn được phân bổ, Quảng Nam đã đầu tư xây dựng 313 danh mục công trình các loại; chuyển đổi nghề cho 735 lao động; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ; thực hiện hỗ trợ xoá nhà tạm cho 512 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ.
Ngoài ra, nguồn lực từ Chương trình còn giúp cho hàng trăm người dân được hỗ trợ về sinh kế, vay vốn làm ăn, mạng lưới y tế, giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân… Từ đó, tỷ lệ giảm nghèo của người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm qua đều vượt chỉ tiêu quy định của Chương trình. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS giảm 10,4%; năm 2023 giảm 9,72%, trong khi chỉ tiêu đề ra là giảm nghèo giảm trên 3% mỗi năm.
“Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nghèo giảm xuống còn dưới 15% và thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tăng lên 40 triệu đồng mỗi năm, trong thời gian tới, các cấp, ngành ở địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa việc phân bổ, giải ngân vốn của chương trình để thực hiện các dự án, tiểu dự án”, ông Giản thông tin thêm.