Nhiều người đến thôn Quang Hiển đều thấy ấn tượng bởi những nếp nhà gỗ trầm mặc, óng lên màu của thời gian. Điều đặc biệt ở đây là hầu như gia đình nào cũng trồng hàng cau trước ngõ hoặc vườn cau trước sân. Cau xanh phủ kín khắp làng, nhà ít thì trồng năm đến bảy cây, nhiều có tới vài trăm cây, tạo nên nét duyên cho ngôi làng cổ bên dòng sông Thương.
Đưa tôi đi thăm làng, ông Thân Văn Trịnh (66 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh thôn thông tin: Cả làng Quang Hiển còn hơn 50 nếp nhà gỗ, trong đó có nhiều nhà cổ. Mặc dù điều kiện kinh tế của nhiều hộ đã khấm khá nhưng những ngôi nhà gỗ theo lối truyền thống vẫn được người dân nâng niu, xem đó là niềm tự hào.
Ví như ngôi nhà gỗ lim 7 gian theo lối kiến trúc kẻ truyền, lợp ngói mũi hài của hộ ông Lê Văn Tăng (72 tuổi) được dựng cách đây 103 năm. Khuôn viên ngôi nhà được bài trí hài hòa, gồm một khoảng sân rộng phía trước, góc vườn trồng 60 cây cau và một số giàn trầu. Các vật dụng bên trong cũng khá ăn nhập với kiến trúc như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, câu đối… Chủ nhân của ngôi nhà - ông Tăng cho biết: “Nhà này do bố mẹ tôi dựng từ năm 1920, đã gắn bó với 5 thế hệ trong gia đình. Năm 1967, công trình từng bị bom Mỹ làm sập một phần và phải đến năm 1972 mới có điều kiện phục dựng lại. Năm 2017, dù các con tôi có ý định xây nhà mới theo kiến trúc hiện đại nhưng sau khi bàn đi tính lại, cả gia đình thống nhất sẽ trùng tu để giữ lại ngôi nhà cổ mà cha ông đã kỳ công tạo dựng”.
Từ xa xưa cây cau, giàn trầu đã trở nên thân thuộc với mỗi người. Ở Quang Hiển, nhiều người vẫn quen câu nói “cảnh gà - hoa cau” để nói đến sự thanh bình, yên ả chốn thôn quê. Hương hoa cau lan tỏa ngan ngát cho ta cảm nhận cuộc sống bình yên, chan hòa. Dù có đi đâu, về đâu, người dân nơi đây luôn tự hào về làng mình với những hàng cau, khóm chuối và bao dư vị ngọt ngào, mặn đắng của tình đất, tình người. Không chỉ mang lại giá trị về văn hóa, theo như lời ông Tăng, trồng cau còn giúp cho bà con “có đồng ra đồng vào” trang trải cuộc sống. Nếu như trước kia, người dân trong làng trồng cau chủ yếu để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày với “miếng trầu là đầu câu chuyện”, thì khoảng chục năm nay cây cau đã mang lại nguồn thu nhập lớn.
Cách nhà ông Tăng một bức tường là ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình bà Lê Thị Mát (77 tuổi). Vẫn với khung cảnh sân vườn, nhà cổ và hơn 500 cây cau. Theo như lời bà Mát, trung bình mỗi năm gia đình thu được 70 - 80 triệu đồng từ việc bán quả cau. “Loài cây này không mất quá nhiều công cũng như chi phí chăm sóc, hơn nữa có thể cho thu hoạch được nhiều năm. Thậm chí có thời điểm cau được giá, thương nhân về mua tới 1,5 triệu đồng mỗi buồng, có gia đình thu được cả trăm triệu đồng mỗi năm”, bà Mát nói.
Theo các nhà nghiên cứu, cây cối trong vườn được các cụ xưa lựa chọn rất kỹ và không phải cây nào cũng có thể trồng trước cửa. Việc sắp đặt vị trí các cây đâu thể xem nhẹ. Có một mô tuýp khá phổ biến theo quan niệm truyền thống, đó là “hàng cau trước cửa, khóm chuối sau nhà”. Cách bài trí này từ lâu đã trở thành biểu tượng ở các làng quê, tôn thêm vẻ đẹp cho cảnh quan vườn nhà. Hơn nữa, đây là những loài cây tương đối dễ trồng, xanh tốt quanh năm. Hàng cau trước nhà thẳng tắp, lại không che khuất của ngôi nhà, hoa cau thơm dịu nên được xem hợp với phong thủy. Chưa kể, cả quả cau và quả chuối đều là những lễ vật quan trọng trong văn hóa dân gian, không thể thiếu trên ban thờ vào mỗi dịp lễ, Tết…
Xuyên qua bao thế kỷ, trước vô vàn sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tác động của thời gian và chính con người, những ngôi nhà cổ ở Quang Hiển vẫn sừng sững đứng đó cùng với rặng cau, giàn trầu, khóm chuối. Chính các thế hệ, từ đời cha ông cho đến con cháu ông Trịnh, ông Tăng hay bà Mát hôm nay luôn hãnh diện về những nét mộc mạc, bình dị ấy. Dù cho “lưỡi hái” thời gian đã khoét sâu vào từng viên gạch, thớ gỗ thì người dân Quang Hiển vẫn muốn giữ lại những điều tốt đẹp từ quá khứ trao truyền. Đây cũng là một trong những điểm nhấn độc đáo trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại làng quê nằm cạnh sông Thương này.