Theo số liệu thống kê tại huyện Lệ Thủy, riêng về hệ thống thủy lợi, toàn huyện có trên 61km đê từ cấp IV trở xuống, đê bối, bờ bao và 3,5km kè bị sạt, nứt, hư hỏng. Hàng trăm kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng với chiều dài trên 23km. Mưa lũ làm 47 cống bị hư hỏng, 44 trạm bơm bị ngập, trên 3,6km bờ biển, sông, suối bị sạt lở… Tổng hiệt hại khoảng 146 tỷ đồng. Việc các công trình thủy lợi hư hỏng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất vụ đông - xuân của nông dân.
Tại xã Liên Thủy, hệ thống kênh mương, cống, đê bao toàn xã bị hư hỏng trên 9km với giá trị thiệt hại gần 10 tỷ đồng; gần 11km đường nội đồng bị sạt lở, hư hỏng, gây thiệt hại trên 4,3 tỷ đồng. Trong đó, có hệ thống kè chống sạt lở hói Đông Thành - Xuân Hồi phục vụ sản xuất cho 300ha đất trồng lúa của xã Liên Thủy và thị trấn Kiến Giang.
Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho biết: Xã đang đề xuất UBND huyện cấp kinh phí để tu sửa, xây dựng mới. Trong lúc chưa có kinh phí, trước mắt xã chỉ đạo các hợp tác xã trên địa bàn, huy động người và phương tiện sớm nạo vét hệ thống kênh mương, gia cố các bờ đê để tổ chức sản xuất.
Hồng Thủy, là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng trong đợt lũ. HIện tại nhiều công trình đường giao thông nội đồng, đê, cầu, cống, trạm bơm bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng, nhất là đê Khe Cát ở thôn Mốc Định. Khe Cát chảy từ hướng Đông qua hướng Tây, mang nước về tưới, tiêu cho đồng ruộng, phục vụ cho nuôi cá và là nguồn nước ngầm của hàng trăm hộ dân trong xã.
Theo ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, đối với đê Khe Cát, xã cũng đã huy động máy xúc, san gạt lại những vị trí sạt lở để giảm độ dốc, hạn chế sạt lở. Nhưng về lâu dài, công trình này cần phải được xây dựng kè chống sạt lở, theo ước tính cần khoảng 5 tỷ đồng, số kinh phí này vượt khả năng của địa phương nên xã mong huyện cấp kinh phí.
Ngoài những công trình nêu trên, huyện Lệ Thủy vẫn còn hàng trăm công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng khác đang cần được khắc phục sửa chữa. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ, huyện đã động viên chính quyền địa phương các xã, thị trấn cùng bà con nông dân cố gắng khắc phục khó khăn để sản xuất.
Đồng thời, huyện cũng đã làm báo cáo, xây dựng các tiểu dự án đề xuất UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi tổng hợp đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp để đầu tư, sửa chữa nhằm đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 150 hồ thủy lợi, trong đó có đến 56 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế. Song, do thiếu kinh phí, đến nay các công trình vẫn chưa được khắc phục.