Các chuyên gia bảo vệ thực vật khuyến cáo, người dân nên lưu ý các biện pháp chăm sóc cây trồng vì bệnh cháy lá trên cây sầu riêng có thể phát sinh ở vườn trồng quá dày, thâm canh cao, nấm bệnh dễ dàng phát triển trên các lá già, lá non, cây trưởng thành và cả vườn ươm. Người dân nên tập trung tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng, bón phân cân đối theo từng giai đoạn phát triển của cây, không bón thừa đạm, tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp chế phẩm sinh học để tăng cường vi sinh vật có ích và cải tạo đất; phun thuốc bệnh đúng nguyên tắc, đồng thời thu gom, tiêu hủy lá bị bệnh để tránh bệnh lây lan.
Tại Quảng Ngãi, thời gian qua mưa lũ đã làm hỏng 124 hồ chứa, đập dâng; hơn 40 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, nước cuốn trôi... Các địa phương, đơn vị và người dân đang tích cực triển khai công tác khắc phục , bảo đảm dẫn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.
Tại Quảng Trị, mưa lũ đã làm hư hại nhiều công trình thủy lợi. Ðến nay, hàng trăm ki-lô-mét kênh mương thủy lợi các loại bị sạt lở chưa được thông tuyến, nhiều công trình trạm bơm bị bồi lấp nặng, tê liệt hoàn toàn… Nếu không khắc phục kịp thời nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.
Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chưa tích đầy nước. Tại các hồ chứa quy mô lớn chỉ đạt ở mức 60 đến 80% dung tích thiết kế; hồ nhỏ lượng nước tích trữ chỉ đạt 50 đến 60%. Ðể bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, Chi cục Thủy lợi tỉnh đề nghị các địa phương kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi; khẩn trương xây dựng các phương án tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện…
Tại tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông, trên địa bàn huyện vừa có vật nuôi mắc bệnh viêm da nổi cục. Ðể tránh dịch bệnh lây lan, cơ quan chức năng huyện đang tăng cường theo dõi, giám sát, hướng dẫn chủ hộ thực hiện cách ly, nuôi nhốt. Ðồng thời, tiến hành cấp hóa chất, triển khai công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chung quanh khu chăn nuôi gia súc hai lần/ngày, yêu cầu các hộ dân có vật nuôi bị bệnh, nghi mắc bệnh cách ly tuyệt đối.
UBND xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, tổng đàn gia súc của xã hiện khoảng 6.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 17.200 con với hơn 712 hộ chăn nuôi. Ðể phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, xã Cao Phạ đã phân công cán bộ đến từng bản để tuyên truyền cho nhân dân về các biện pháp phòng, chống đói, rét; chủ động cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, nhất là các đợt rét đậm, rét hại. Ðồng thời, nhắc nhở người dân gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn tinh, thô xanh, tận dụng thân lá ngô, trồng cỏ và trồng cây ngô non để có đủ thức ăn cho gia súc.
Ngày 10/12, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, đã phối hợp các đơn vị tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, truyền thông nước sạch vệ sinh và tặng quà cho người dân tại các tỉnh bị lũ lụt: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cụ thể, Ban tổ chức đã khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 2.800 người dân; tặng 450 chiếc xe đạp cho học sinh vùng lũ; 260 cặp phao cứu sinh và đồ dùng học tập cho học sinh nghèo; 5.200 suất quà và nhiều hàng tiêu dùng có giá trị khác. Tổng trị giá chương trình hơn 2,4 tỷ đồng.
Nhằm giúp người dân vùng lũ phục hồi sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị cho vụ đông xuân, từ ngày 1 đến 10/12, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí và các đơn vị thành viên đã tổ chức trao tặng 280 tấn phân bón NPK Phú Mỹ các loại cho những hộ nông dân tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ðược biết, có gần 10.000 hộ gia đình khó khăn nhận được phân bón trong đợt này./.