Những tín hiệu lạc quan
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, cơ cấu kinh tế vùng DTTS và miền núi đang dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Hạ tầng cơ sở các huyện miền núi phát triển kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng DTTS và miền núi. Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành các vùng cây nguyên liệu như sắn, mía, được gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến đường, tinh bột sắn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Về công nghiệp cũng đã hình thành các ngành công nghiệp quan trọng như thủy điện, khai thác lâm sản và chế biến vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được hình thành và ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 20-26 triệu đồng, khu vực có người DTTS sinh sống đạt gần 18 triệu đồng. Riêng thu nhập của người đồng bào DTTS đạt từ 14 - 16 triệu đồng.
Đến nay, 100% số xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi được mở rộng, nâng cấp; xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu, trồng cây lương thực tại chỗ cho đồng bào DTTS cũng như phát triển diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
Ông Đinh Ngọc Dạn - Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương có 22 dân tộc cùng sinh sống, với 47,7% dân số là người DTTS. Các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được huyện triển khai, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng và nhu cầu của nhân dân nên hiệu quả mang lại cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đời sống người dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.
Ma Dom ở buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, cho hay: Trước đây, gia đình mình nghèo lắm, phải đi làm thuê quanh năm nhưng không đủ ăn. Được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn, tôi đầu tư trồng sắn, cao su, lúa nước và chăn nuôi bò, heo, gà… Nhờ trời thương nên tất cả đều phát triển tốt, mỗi năm gia đình mình có thu nhập trên 150 triệu đồng.
Còn tại các huyện huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa tuy có xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; chăn nuôi trang trại kết hợp…, đời sống người dân ngày càng ổn định.
Gia đình ông Võ Ngọc Sơn ở xã Đa Lộc (Đồng Xuân), nhờ được địa phương hỗ trợ, khuyến khích, ông Sơn đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo hơn 1,2 ha đất vườn kém hiệu quả để xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Ông đã trồng nhiều giống cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, vải, xoài, mãng cầu Thái, cam, quýt… Nhờ vậy, vườn mẫu của ông cho nguồn thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, trở thành một vườn mẫu tiêu biểu của địa phương.
Kỳ vọng vào Chương trình MTQG 1719
Tuy đã có sự phát triển đáng kể nhưng nhìn chung, vùng DTTS và miền núi tỉnh Phú Yên vẫn còn một khoảng cách khá xa với miền xuôi. Thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Phú Yên đã và đang quyết liệt triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, huyện được phân bổ 96 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Ban Chỉ đạo huyện đã phân bổ 18 tỷ 896 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 12 tỷ 184 triệu đồng vốn sự nghiệp về các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan. Mục tiêu của huyện là đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 4%; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế...
Ông Trương Văn Phương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, chia sẻ: Thực hiện Chương tình MTQG 1719, tỉnh có 23 xã, trong đó có 12 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 10 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và 70 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc. Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG 1719 là 323,18 tỷ đồng. Riêng năm 2022 là 105,63 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 62,9 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp 42,7 tỷ đồng. Đây là một chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách toàn diện.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho cấp huyện, xã. Đối với xã không đủ năng lực làm chủ đầu tư thì cấp huyện khẩn trương giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn làm chủ đầu tư nhằm bảo đảm tiến độ cho các công trình cơ sở hạ tầng.