Nhiều mô hình hiệu quả
Cách đây 10 năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác, nhiều hộ dân ở xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng đã đầu tư để trồng thử nghiệm. Đến nay, cây trồng này đã được nhân rộng, bao phủ trên các vườn đồi trên địa bàn và một số xã lân cận, đem lại nguồn thu nhập mới khả quan cho nông dân.
Bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ từ năm 2010, anh Nguyễn Thúy Sơn ở khu 6 cho biết: Trước kia, gia đình anh sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trồng cây hoa màu và tận dụng mảnh đất đồi gần 1 ha đầu tư trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ.
Tuy nhiên, thời gian cho thu hoạch của cây lấy gỗ thường kéo dài lâu nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, tình cờ biết đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, anh quyết định tham quan thực tế một số mô hình ở Sơn Tây (Hà Nội), Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và mạnh dạn đầu tư vài trăm gốc thanh long, với hy vọng loại cây trồng mới này sẽ giúp gia đình thoát nghèo. Sau gần hơn 1 năm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn thanh long của anh Sơn đã sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu cho những quả bói đầu tiên.
Từ năm thứ 3 trở đi, vườn cho thu hoạch gấp 3 lần năm thứ nhất và bắt đầu ổn định về sản lượng. Đến nay, anh Sơn đã mở rộng vườn lên 2ha, mỗi năm cho sản lượng gần chục tấn quả, đảm bảo chất lượng và đều đặn đem về thu nhập cao.
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở Phú Thọ, được coi là một trong 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, với diện tích hơn 10.000 ha mặt nước; trở thành một trong những tỉnh đứng nhất, nhì ở các tỉnh miền núi phía Bắc về nuôi thủy sản.
Điển hình như, trên sông Lô (đoạn chảy qua tỉnh Phú Thọ) đã xuất hiện hàng trăm lồng cá đặc sản của người dân ven sông thuộc huyện Phù Ninh, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi cá.
Ông Hoàng Đình Luyến, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh - một trong những hộ nuôi cá đầu tiên trong xã chia sẻ, do khó khăn về vốn nên mới đầu gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá. Sau 4 năm nuôi cá lồng trên sông, đến nay gia đình ông đã có 30 lồng cá với nhiều loại đặc sản như: cá lăng, cá trắm, cá quế, cá ngạnh, cá chép giòn... Đây là những loại cá có giá bán trên thị trường từ 250.000 - 600.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm xuất ra thị trường từ 30 tấn cá trở lên, trừ các chi phí thu về gần 1 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp Phú Thọ còn triển khai nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học của quốc gia, quốc tế về giống, kỹ thuật thâm canh, có giá trị kinh tế đạt từ 60 đến 100 triệu đồng/ha. Ðiển hình như, mô hình lúa lai mới, cây đậu tương đông, trồng hoa... có thể cho phép thay thế các giống cũ, cách thức sản xuất cũ; mô hình ứng dụng gieo cấy lúa lai giống Thục Hưng 6, Thiên nguyên ưu 16, người nông dân áp dụng hình thức gieo sạ bằng giàn kéo, làm đất bằng máy, áp dụng biện pháp bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến (SRI)... cho phép tiết kiệm chi phí giống, thuốc trừ sâu, công lao động...
Hướng phát triển bền vững
Xác định sản xuất nông nghiệp áp dụng TBKT là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất.
Từ liên kết, nông dân được tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, đầu ra ổn định, thu nhập từng bước được nâng lên; doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất, các kế hoạch đã được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thị trường và thực tiễn để định hướng sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản... Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới liên kết theo chuỗi, bảo đảm đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)