Ðây là việc thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác, phổ biến những tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng đến đông đảo công chúng trên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến... Từ ngày 16/7, Viện Phim Việt Nam lần lượt đưa 9 bộ phim lên kênh Youtube, gồm: "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Nhìn ra biển cả", "Mùa ổi", "Lương tâm bé bỏng", "Ðừng đốt", "Chung cư", "Cuộc đời của Yến", "Mặt trận không tiếng súng", "Dòng sông hoa trắng". Ðây đều là các bộ phim đã được cấp phép phổ biến, do hãng phim nhà nước sản xuất với 100% vốn đầu tư nhà nước.
Tuy nhiên, ngay sau khi các bộ phim được đăng tải, một số đơn vị có phim đăng tải như Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam, Công ty cổ phần Phim Giải phóng… cho rằng, Viện Phim Việt Nam với chức năng lưu giữ, bảo quản phim nếu muốn phổ biến phim thì phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, việc Viện Phim gắn logo của đơn vị này vào các phim, có bộ phim còn bị cắt bỏ phần thông tin giới thiệu ê-kíp làm phim... cũng bị cho là không hợp lý ở góc độ thông tin, bản quyền.
Liên quan tới sự việc, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã có cuộc họp với đại diện Viện Phim Việt Nam, Cục Bản quyền và Cục Ðiện ảnh. Theo đó, Bộ VHTT&DL yêu cầu Cục Ðiện ảnh, Viện Phim Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát, phân loại để đưa phim đến với công chúng theo các chủ đề hữu ích, thiết thực. Trong tình hình hiện nay, việc đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác, phổ biến những tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng đến đông đảo công chúng trên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến là nhiệm vụ cần thiết. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là đơn vị như Viện Phim Việt Nam được tự ý đưa tác phẩm điện ảnh lên mạng mà không thông qua và có sự đồng ý của các đơn vị liên quan. Các phim do Nhà nước đặt hàng muốn đưa lên Youtube cần phải được sự thỏa thuận đồng ý của Bộ VHTT&DL (mà Cục Ðiện ảnh là đại diện chủ sở hữu đối với tác phẩm) và đơn vị sản xuất.
Thực tế là hầu hết các phim Nhà nước đặt hàng đều là các tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng… chưa được phổ biến rộng rãi tới công chúng, nhất là khán giả vùng sâu, vùng xa.
Việc đưa phim loại này lên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến vừa góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần quảng bá vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế, vừa hạn chế được sự lãng phí do các tác phẩm vốn chỉ nằm lưu kho. Trong bối cảnh dịch Covid-19, điều này càng trở nên cần thiết. Dù vậy, quá trình khai thác, quảng bá tác phẩm điện ảnh đến công chúng vẫn cần tuân thủ đầy đủ các vấn đề về bản quyền, quy định của pháp luật nhằm bảo đảm hài hòa giữa việc cung cấp phim đến khán giả với quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Nhìn lại sự việc Viện Phim Việt Nam đăng tải các bộ phim Nhà nước đặt hàng, có thể nhận thấy còn có những lúng túng, thiếu thống nhất, sai quy trình dẫn tới vướng mắc, bất đồng, nhất là với các đơn vị sản xuất phim. Viện Phim Việt Nam đã tiếp thu, khắc phục một số sơ suất. Ví dụ, bản phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" của Hãng phim Hội Nhà văn hợp tác Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc) sản xuất, sau khi nhận phản hồi về việc phim bị cắt bỏ phần thông tin giới thiệu ê-kíp làm phim, Viện Phim đã cho rút xuống và thay bằng bản phim có phần giới thiệu đầy đủ.
Tận dụng các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến... một cách chính thống, khoa học, đúng quy định pháp luật là hướng đi thiết thực không chỉ với ngành điện ảnh mà đã được áp dụng ở nhiều lĩnh vực với những chuyển biến, thành công đáng kể. Dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo cũng cần nhìn lại vấn đề khai thác, sử dụng, phổ biến phim Nhà nước đặt hàng trong thời gian tới để bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất trong mục tiêu tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, đưa các tác phẩm đến gần hơn với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.