Gian nan không nản
Một lần nữa, Việt Nam không có đại diện nào lọt được vào vòng đề cử chính thức của giải Oscar lần thứ 94. Mặc dù, hồi tháng 12.2021, Bố già của Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng được Cục Điện ảnh lựa chọn tham dự vòng sơ loại Oscar với hạng mục Phim quốc tế xuất sắc, bởi bộ phim đã lập được kỷ lục doanh thu phòng vé với hơn 420 tỉ đồng, được công chiếu tại rạp thương mại của nhiều nước trên thế giới. Phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XXII-2021, Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2020, thế nhưng vẫn thất bại tại giải Oscar lần này!
Trước đó, trong 17 lần chọn phim tham dự Oscar, ngoài phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử chính thức Phim quốc tế xuất sắc năm 1993, thì các phim Việt đều bị “đánh rớt”. Thậm chí, có những phim đoạt khá nhiều giải thưởng quốc tế như Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng (Phim châu Á xuất sắc tại LHP quốc tế Iran lần thứ 36, Phim nước ngoài hay nhất tại LHP quốc tế Arizona lần thứ 26 ở Mỹ…) nhưng khi đến với giải Oscar lần thứ 90 cũng chỉ dừng chân tại vòng “gửi xe” và không lọt vào đề cử chính thức.
Còn ở LHP quốc tế Cannes, phim Việt Nam thường chỉ được chọn giới thiệu tại các chương trình bên lề, như Góc điện ảnh châu Á, Chợ phim, Góc phim ngắn… và chưa có một bộ phim nào được tranh giải chính thức. Với LHP quốc tế Berlin, mới chỉ có phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di được đề cử tranh giải Gấu vàng cho phim truyện vào năm 2015, nhưng cũng không đoạt giải. Hay vừa qua, Miền ký ức của đạo diễn Bùi Kim Quy đại diện Việt Nam tới LHP quốc tế Berlin lần thứ 72, song chỉ tham gia hạng mục Forum (Diễn đàn), được công chiếu 5 buổi tại các rạp và không tranh giải. Việt Nam cũng chưa có phim nào được lọt vào tranh giải Sư tử vàng của LHP quốc tế Venice. Rõ ràng, việc ghi dấu ấn chính thức tại Oscar hay các LHP quốc tế Cannes, Berlin, Venice… sẽ nâng vị thế điện ảnh của Việt Nam, nhưng xem ra ước mơ của các nhà làm phim Việt vẫn chưa thể chạm tới.
Không ngừng tìm kiếm cơ hội
Thời gian gần đây, nhiều phim nội đã được nhận giải quốc tế như: Người lắng nghe: Lời thì thầm thuộc thể loại phim tâm lý, kinh dị của Việt Nam vừa gây bất ngờ khi nhận đến 3 giải quan trọng tại LHP Nghệ thuật điện ảnh châu Á do Hiệp hội Nghệ thuật điện ảnh Hong Kong tổ chức; Tấm Cám: Chuyện chưa kể được đề cử tranh giải hạng mục A Window of Asia Cinema - hạng mục dành cho những tác phẩm điện ảnh mới của các nhà làm phim châu Á; Vợ ba đạt giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Toronto, Canada, giải Phim hay nhất tại phần thi quốc tế của LHP quốc tế Kolkata, Ấn Độ lần thứ 24; Ròm của Trần Thanh Huy thắng giải Làn sóng mới LHP quốc tế Busan 2019…
Có thể thấy, phim Việt giành thắng lợi tại các LHP quốc tế là niềm vui của những người làm điện ảnh, nhưng chưa hẳn đã là một tác phẩm gần gũi, hấp dẫn với công chúng. Làm thế nào để dung hòa được dòng phim nghệ thuật và phim giải trí, để khán giả có thể cảm nhận được những điều đẹp đẽ trong tác phẩm điện ảnh là “bài toán” khó cho các nhà làm phim. Bên cạnh đó, cũng dễ nhận thấy các giải thưởng này mang nhiều tính chất động viên, cổ vũ tinh thần, không mang giá trị công nhận về chất lượng, bởi chưa thể cạnh tranh “ngang tài ngang sức” cùng các phim quốc tế. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ cuộc, các nhà làm phim Việt vẫn nỗ lực tìm đến những sân chơi nhỏ để từ đó có cơ hội đến với sân chơi lớn hơn. Như nhà sản xuất Mai Thu Huyền đã từng chia sẻ, khi Kiều được công chiếu tại LHP quốc tế Newport Beach, khán giả nước ngoài bày tỏ rằng họ thấy được sự mới mẻ so với góc nhìn trước đây về Việt Nam. “Điều này cũng chính là ý đồ của tôi, tôi muốn mang phim ra nước ngoài để giới thiệu được văn hóa, con người, cảnh đẹp Việt Nam, và điều đó đã thành công. Hơn thế nữa, tôi muốn mở ra cơ hội, tạo động lực cho các nhà làm phim trẻ của nước ta ở những LHP mới, tôi làm được thì các bạn sẽ làm được”, Mai Thu Huyền cho biết.
Chuẩn bị tới đây, Memento Mori: Earth (Memento Mori: Đất) là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách tranh giải New Currents (Làn sóng mới) tại LHP quốc tế Busan 2022. Cụ thể, bộ phim của đạo diễn Marcus Vũ Mạnh Cường sẽ tranh giải với 9 tác phẩm đến từ Singapore, Thái Lan, Đức, Malaysia... Riêng chủ nhà Hàn Quốc và Ấn Độ mỗi quốc gia có 2 phim được đề cử. Ngoài giải thưởng chính New Currents, các phim tham gia hạng mục này còn dự tranh các giải thưởng khác như: FIPRESCI Award, NETPAC Award và KB New Currents Audience Award. Hiện, bộ phim đang được BTC đánh giá cao, khi mang đến cái nhìn sâu sắc về sự sống và cái chết bằng góc nhìn tuyệt vời, góc nhìn đời thường nhưng lại rất nghệ thuật. Hy vọng rằng, Memento Mori: Earth sẽ làm nên chuyện tại LHP quốc tế Busan lần này.
Nhìn nhận khách quan thì đúng là phim Việt chưa đủ nội lực để tranh giải trong các hạng mục chính thức ở các LHP hạng A, thế nhưng “có công mài sắt, có ngày nên kim”, nếu các nhà làm phim trẻ có sự hỗ trợ, giúp sức từ nhiều phía thì chắc chắn công cuộc “đem chuông đánh xứ người” sẽ vẫn được tiếp nối và mở ra nhiều cơ hội, nhiều hướng đi mới cho điện ảnh nước nhà.