Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình, tháng 3 vừa qua, tại khu vực các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên cây ăn quả có múi. Trong đó, nhện nhỏ xuất hiện với tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá, có nơi tỷ lệ cao 5 - 7% số lá. Bệnh sẹo (ghẻ nhám) tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá; cao 5 - 7% số lá (tập trung ở các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy).
Ngoài ra, rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ tiếp tục xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương. Dự báo thời gian tới, các dịch bệnh này tiếp tục gây hại mạnh trên cây có múi giai đoạn phát triển thân lá, ra hoa, đậu quả, phát triển quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, là do sự phát triển cây trồng thiếu kiểm soát. Người dân chưa chú trọng tới quy trình sản xuất, trồng dày chen chúc, khai thác kiệt quệ khiến cây bị nhiễm bệnh, không còn cho thu hoạch quả... Ngoài ra, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống của tỉnh Hòa Bình hiện vẫn còn yếu, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa phát huy được vai trò cung ứng nguồn giống có chất lượng cao, sạch bệnh cho nhu cầu phát triển của nông dân trên địa bàn tỉnh...
Điều này rất nguy hiểm bởi cây ăn quả, nhất là cây có múi như cam, bưởi có chu kỳ rất dài, 3 - 4 năm trở lên mới cho thu hoạch nên nếu nông dân mua phải giống không bảo đảm chất lượng, thì hậu quả rất lớn...
Trong buổi làm việc tại Hòa Bình về kế hoạch phát triển bền vững, hiệu quả đối với vùng cây ăn quả có múi trọng điểm của tỉnh ngày 21/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng đã cảnh báo: Do công tác quản lý giống cây ăn quả nói chung, nhất là cây có múi thời gian qua tại nhiều địa phương chưa thật sự được siết chặt, dẫn tới tình trạng giống trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng còn lưu thông trên thị trường.
Ông Doanh đề nghị, tỉnh Hòa Bình không nên chạy theo việc mở rộng diện tích, sản lượng về cây có múi, mà cần tập trung đi vào chiều sâu, trên cơ sở cải thiện một cách đồng bộ từ công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống bảo đảm nguồn gốc chất lượng; các gói kỹ thuật thâm canh bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu cho sản phẩm.
Hiện nay, tại Hòa Bình, đã xuất hiện một số Hợp tác xã phát triển theo hướng nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP như: 3Tfarm với cam Cao Phong, Gfarm với cam trứng… nhưng mới chỉ ở quy mô manh mún. Tỉnh Hòa Bình đang có phương án khuyến khích, hỗ trợ nhiều người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm sạch, an toàn - tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và các tỉnh khác, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất.
Tỉnh Hòa Bình không nên chạy theo việc mở rộng diện tích, sản lượng về cây có múi, mà cần tập trung đi vào chiều sâu, trên cơ sở cải thiện một cách đồng bộ từ công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống bảo đảm nguồn gốc chất lượng; các gói kỹ thuật thâm canh bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu cho sản phẩm”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh