Anh Đặng Quang Đức ở thôn 3, xã Cư Ea Lang, huyện Ea Kar cho biết, từ năm 2012, thấy các hộ dân chuyển sang trồng cam có lãi cao, anh cũng chuyển đổi toàn bộ 2ha cà phê sang trồng loại cây này. Thế nhưng, anh chỉ được thu 2 vụ đầu, còn giờ đây, hàng nghìn cây cam bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ.
Tương tự, ông Trần Văn Chinh, thôn 6B, xã Cư Ea Lang cũng bị thiệt hại toàn bộ 3ha cây cam, quýt. Ông Chinh tâm sự, thấy một số hộ dân trong vùng chia sẻ, trồng 1ha quýt đường lợi nhuận lên tới 300 triệu đồng mỗi năm, ông đã về bàn với gia đình chặt 3ha cà phê để trồng quýt đường và cam sành. Qua 3 năm trồng cam, quýt, ông đã đổ mọi vốn liếng, vay ngân hàng mua phân bón, thuốc trừ sâu nhưng cây vẫn bị nhiễm mặn, không thể phục hồi. Hiện nay, nhiều cây xuất hiện tình trạng vàng lá, thối rễ, lây lan nhanh. Cây ngưng sinh trưởng rồi chết dần, dù ông đã thử can thiệp bằng nhiều biện pháp, như phun thuốc kích rễ, bón phân vi sinh, vi lượng, chống ngập úng… Ông nhẩm tính, thiệt hại từ việc đầu tư cam, quýt thất bại lên đến cả tỷ đồng.
Theo ghi nhận, phong trào trồng cam, quýt nở rộ ở Cư Ea Lang vào khoảng năm 2011 - 2012. Tuy nhiên, việc canh tác đều mang tính tự phát. Bà con tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hoặc tham khảo trên các phương tiện truyền thông, Internet, chứ chưa có sự nghiên cứu, khuyến cáo cụ thể từ các cơ quan chức năng. Ngay cả cây giống cũng không được chọn lọc kỹ. Người dân thường mua giống do thương lái hoặc chính những người trong vùng mang từ nơi khác về bán ngay tại địa phương, mù mờ về nguồn gốc, xuất xứ.
Ông Nguyễn Trọng Tứ, cán bộ nông nghiệp xã Cư Elang, cho biết toàn xã hiện có khoảng 500ha cam, quýt, phân bố rải rác ở tất cả các thôn. Tình trạng cây có biểu hiện vàng lá, thối rễ xuất hiện từ năm 2016 và lan nhanh từ năm 2018 đến nay. Các đơn vị chuyên môn của huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, khuyến cáo người dân một số biện pháp can thiệp nhưng không hiệu quả. Ước tính có trên 200ha đã nhiễm bệnh, không thể phục hồi, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đăk Lăk, cho biết theo kế hoạch, mùa mưa năm nay các hộ nông dân sẽ trồng tái canh hơn 4.000ha cà phê, nhưng đến nay các hộ chỉ mới trồng được một nửa. Nguyên nhân nhiều hộ tiến hành chặt bỏ cây trồng truyền thống, tự phát chuyển sang các loại cây trồng khác, trong đó có các loại cây ăn quả. Theo đó, diện tích cây ăn quả của địa phương tăng nhanh. Đến cuối năm 2018 đã đạt trên 20.500ha, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2014.
Ông Dương khuyến cáo, việc người dân tự phát chuyển đổi cà phê sang các loại cây ăn quả tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì không khảo sát các yếu tố tự nhiên, như, đất, nước, không khí và các điều kiện cơ sở hạ tầng nên việc chuyển đổi này thiếu sự bền vững. Hơn nữa, các yếu tố về thị trường cũng là nguyên nhân khiến cho việc chuyển đổi khó đạt kết quả cao.