Khi guồng quay của cuộc sống hiện đại ngày càng hối hả, nhiều biến động, thì nhu cầu thông qua những chuyến đi để lấy lại sự cân bằng về thể chất cũng như tâm trí là hết sức cần thiết. Du lịch chữa lành vì thế mà ra đời và ngày càng trở thành xu hướng lựa chọn của rất nhiều du khách trên thế giới.
Vì còn khá mới mẻ cho nên đến nay, vẫn chưa có định nghĩa thật rõ ràng về du lịch chữa lành. Tuy nhiên về cơ bản, đây là loại hình du lịch được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, gần gũi thiên nhiên, kết hợp chăm sóc sức khỏe, với các hoạt động như: thiền, yoga, trị liệu tâm lý, chẩn trị y học cổ truyền, ẩm thực thực dưỡng...
Tại Việt Nam, du lịch chữa lành bắt đầu xuất hiện và được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, xu hướng tìm về với những giá trị tinh thần, dường như ngày càng tăng cao, kiểu như sau một cơn địa chấn, mọi người ai cũng mong muốn nhìn thấy được sự tĩnh lặng của mặt hồ.
Có lẽ cũng vì thế, nhiều địa chỉ tâm linh đã trở thành điểm đến chữa lành thu hút hàng ngàn Phật tử và du khách cả trong và ngoài nước. Tại miền Bắc, Yên Tử (Quảng Ninh) hay Fansipan (Lào Cai)… là những điểm đến yêu thích cho các hoạt động thiền, yoga, ẩm thực thực dưỡng… Tại Tây Nguyên, rất nhiều người lựa chọn chữa lành bằng các trải nghiệm ẩm thực “ăn tỉnh thức”, cafe du lịch chữa lành, múa cát, hay thiền cát… Còn tại khu vực Nam bộ, Núi Bà Đen đang ngày càng thu hút du khách với những chuyến du lịch, hành hương chữa lành.
Chị Nguyễn Thùy Trang, sống tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi vừa hoàn thành chuyến đi với các thành viên trong gia đình tại núi Bà Đen, trước giờ chỉ biết đến du lịch nghỉ dưỡng, nhưng giờ tham gia du lịch chữa lành kết hợp với tâm linh thấy rất tuyệt. Cuộc sống làm mình căng thẳng với nhiều nỗi lo cơm áo, chuyến đi giúp mình bình tâm lại, biết cách thiền định, hít thở, cân bằng cảm xúc”.
Nằm ở độ cao gần 1000m, nhìn từ xa, núi Bà Đen lúc thì nổi bật giữa nền trời xanh, lúc thì ẩn hiện dưới từng gợn mây bảng lảng lẫn trong sương. Ngọn núi như mê hoặc du khách, gợi những truyền thuyết tâm linh, ẩn chứa nhiều nét đặc trưng văn hóa của một vùng đất Tây Ninh đầy nắng, gió… Đặc biệt, trên đỉnh núi là một hệ thống các công trình tâm linh kỳ vĩ, với bức tượng Phật Bà cao nhất châu Á đứng trên toà sen, trung tâm triển lãm Phật giáo độc đáo và quảng trường rộng lớn nhìn xuống toàn cảnh vùng đồng bằng xanh mướt trù phú.
Hiện, du khách có thể lên núi Bà Đen bằng 2 cách, là đi đường bộ và thông qua hệ thống cáp treo. Nhiều bạn trẻ thích khám phá, mạo hiểm, thì thường sẽ chọn cách leo núi bằng đường bộ để thử cảm giác chinh phục “nóc nhà Đông nam Bộ”, còn nhiều du khách lớn tuổi hoặc những người chuyên tâm với hành trình tâm linh, chữa lành thì sẽ chọn các tuyến cáp treo phù hợp.
Anh Hải Nam, một hướng dẫn viên du lịch tại đây cho biết: “Hiện tại thì đã bắt đầu có các tour du lịch tâm linh, chữa lành tại núi Bà Đen và hầu hết du khách đều có phản hồi rất tốt với các trải nghiệm cơ bản như: thiền định dưới chân đại tượng Phật, tụng kinh Bát Nhã trước trụ kinh khắc chữ vàng ngay giữa trung tâm quảng trường, nghe thuyết pháp tại trung tâm triển lãm Phật giáo nơi trưng bày 163 bức tượng Phật, thả đèn hoa đăng bên đĩa nước trung tâm trên đỉnh núi, thưởng thức các món chay thực dưỡng, gần gũi thiên nhiên…”
Nhiều du khách còn cho biết thêm, điều đặc biệt ở núi Bà Đen đó chính là phong cảnh yên bình, thanh tĩnh đã thật sự làm cho con người ta có thể bình tâm suy nghĩ về bản thân, về những điều đã qua, dễ dàng tìm về sự bình an vốn có của tâm hồn.
Được biết vào những dịp lễ, Tết, các ngày quan trọng của Phật giáo, tại núi Bà Đen còn tổ chức rất nhiều các hoạt động ý nghĩa để du khách tham gia. Chẳng hạn như Rằm tháng 7 (15/7 Âm lịch) năm nay, các phật tử hành hương về đây sẽ được hướng tấm lòng hiếu nghĩa đến các bậc sinh thành với nhiều trải nghiệm tâm linh ý nghĩa.
Khu vực chùa Bà vẫn là nơi để các phật tử, du khách tỏ lòng thành kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát, nguyện cầu bình an may mắn cho các bậc sinh thành. Trên đỉnh núi Bà Đen, những nghi thức truyền thống như lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức trang trọng dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.
Tại đây, các phật tử và du khách sẽ cùng đọc kinh Vu Lan, lắng nghe thuyết giảng về truyền thuyết Lễ Vu Lan. Nghi lễ cài hoa lên ngực áo sẽ là thời khắc thiêng liêng để các phật tử và du khách tỏ lòng thành kính với cha mẹ, tưởng nhớ những người đã khuất và vinh danh những người còn tại thế với cháu con. Dưới ánh sáng của hàng ngàn ngọn đèn lấp lánh thắp sáng quần thể công trình tâm linh trên đỉnh núi, du khách sẽ cùng thả những ngọn đăng huyền ảo bên dòng nước chảy quanh cột kinh Bát Nhã, thực hành hạnh nguyện tri ân báo hiếu đến các bậc sinh thành.
Có thể thấy, các điểm đến linh thiêng giờ đây không đơn thuần chỉ là điểm tựa về mặt tâm linh, mà còn là nơi để con người cân bằng thân tâm trí, kiếm tìm niềm vui, hạnh phúc. Núi Bà Đen và những chuyến du lịch chữa lành ngày càng thu hút du khách cũng vì lẽ đó...