Phong phú nguồn dược liệuTỉnh Nghệ An có diện tích rộng (1.649.853km2); trong đó, khu vực miền núi chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh. Thời tiết của vùng miền núi Nghệ An bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa và có tiểu vùng khí hậu ôn đới. Những đặc trưng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên sự đa dạng sinh học, giàu tiềm năng phát triển cây dược liệu ở vùng miền núi. Được biết, trên địa bàn tỉnh có 962 loài cây và nấm làm dược liệu thuộc 63 chi, 183 họ của 5 ngành thực vật. Đặc biệt, trong danh mục cây dược liệu và vị dược liệu thiết yếu của Bộ Y tế, Nghệ An có 41 loài nằm trong 206 loài cây dược liệu mọc tự nhiên được khai thác và sử dụng. Đáng chú ý, nguồn cây dược liệu mọc tự nhiên có trữ lượng lớn, giá trị sử dụng và kinh tế cao, như cây đẳng sâm, hoàng đằng, thạch hội, kê huyết đằng, cẩu tích, sa nhân, thiên niên kiện, thổ phục linh…
Có thể nói rằng, tiềm năng về nguồn cây dược liệu ở Nghệ An rất lớn, không những cung cấp đủ nhu cầu về dược liệu cho tỉnh mà còn có khả năng cung cấp cho cả nước. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp, cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và dự trữ tốt thì trong tương lai, nguồn tài nguyên này sẽ bị suy giảm, cạn kiệt. Bởi thực tế hiện nay, vấn nạn chặt phá rừng lấy gỗ; đốt rừng làm rẫy; thu gom tự do, bừa bãi dược liệu quý để bán cho các thương lái nước ngoài vẫn còn xảy ra. Kéo theo hệ lụy đó, sẽ có một khối lượng cây dược liệu bị phá hủy, có nguy cơ cạn kiệt, khó khôi phục lại.
Tìm giải pháp để phát triểnĐể bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên cây thuốc thiên nhiên, tỉnh Nghệ An tiến hành quy hoạch 8 vùng rừng tập trung nhiều cây thuốc để khai thác lâu dài. Tỉnh phát triển sử dụng dược liệu theo hướng y học cổ truyền thông qua việc xây dựng cơ sở chế biến dược liệu và sản xuất đông dược tại tuyến huyện và xã; tổ chức nghiên cứu thừa kế các bài thuốc trong nhân dân có tác dụng tốt.
Năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh được thực hiện từ năm 2014 đến 2020; giao Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học-Công nghệ bảo tồn nguồn gen của một số loại dược liệu quý tại huyện Quế Phong và Kỳ Sơn. Năm 2015, Ban Dân tộc đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng và phát triển cây Táo mèo ở vùng đồng bào Mông tại 2huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Hiện nay, Ban Dân tộc Nghệ An đang chuẩn bị triển khai Đề án trồng cây Tràm Úc để lấy tinh dầu. Hay việc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây đẳng sâm, đương quy, atisô và sâm Puxailaileng (một loại sâm quý giống sâm Ngọc Linh) tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Kết quả, bước đầu, Đoàn đã trồng, nhân giống và thu hoạch atiso thành công; kế hoạch trong vài năm tới có thể chuyển giao kỹ thuật để đồng bào các DTTS tổ chức nhân rộng. Cũng tại Kỳ Sơn, Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống (thuộc Tập đoàn TH) đã triển khai trồng thử nghiệm vườn ươm cây dược liệu ở xã Mường Lống và các xã lân cận, nhằm mục đích nhân rộng các loại dược liệu quý, tiến tới sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược…
Với những nỗ lực tích cực trong việc quản lý, khai thác hợp lý và phát triển nuôi trồng tốt thì trong tương lai không xa, đây sẽ là vùng trọng điểm về cây dược liệu của cả nước, đúng như mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghệ An là tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
VÂN ANH