Thời gian qua, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy lao động (LĐ) là người DTTS tham gia BHXH; trong đó có Quyết định số 42/2012/QĐ - TTg về hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng LĐ là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Quyết định này, ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay đơn vị sử dụng LĐ tiền BHXH, BHYT, BHTN cho LĐ là người DTTS được tuyển dụng mới hoặc ký hợp đồng LĐ. Thời gian Nhà nước hỗ trợ ngân sách nộp thay cho đơn vị sử dụng LĐ là 5 năm đối với một LĐ. Đối với BHXH tự nguyện, Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ người tham gia thuộc diện hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo là 25% và 10% là mức hỗ trợ cho các đối tượng khác.
Với sự trợ lực từ ngân sách nhà nước, số LĐ là người DTTS tham gia BHXH ngày càng tăng. Một số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, tại thời điểm tháng 9/2023, cả nước có 624.869 LĐ là người DTTS tham gia BHXH bắt buộc, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; có 122.377 LĐ là người DTTS tham gia BHXH tự nguyện, tăng 102,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có khoảng 17,414 triệu người tham gia BHXH. Trong đó, số lao động tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,45 triệu người.
Nhưng thực thế cho thấy, dù có tăng nhưng số LĐ là người DTTS tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, vẫn còn rất khiêm tốn. Đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, công việc và thu nhập của LĐ người DTTS không ổn định. Hơn nữa, thời gian đóng bảo hiểm kéo dài 20 năm… là những nguyên nhân khiến tỷ lệ LĐ tham gia BHXH tự nguyện ở vùng DTTS và miền núi còn thấp.
Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội cho một bộ phận không nhỏ LĐ người DTTS, tác động đến việc bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Những rào cản trong phát triển BHXH tự nguyện ở vùng DTTS và miền núi được kỳ vọng được tháo gỡ từ Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến ngày 27/5/2024, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7.
Dự thảo luật về cơ bản đã bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích cho LĐ; nhất là những quy định liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho LĐ tham gia BHXH tự nguyện; giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm… Tuy nhiên, để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện ở địa bàn khó khăn, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ LĐ là người DTTS.
Theo TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia phản biện độc lập, thực tế hiện nay, cách tiếp cận BHXH của LĐ là người DTTS còn hạn chế; kịch bản như hiện nay dẫn đến chính sách BHXH không đến được với phần lớn LĐ là người DTTS.
Đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi), TS. Hưng cho rằng, “hàm lượng” chính sách dân tộc trong dự thảo Luật chưa thay đổi và cơ bản còn mờ nhạt, quy định liên quan đến BHXH phù hợp với đặc thù của LĐ là người DTTS cơ bản chưa có. Do đó, cần đề xuất để đảm bảo tính khả thi và có chính sách tiếp cận phù hợp hơn cho tất cả các đối tượng LĐ.
Từ những phân tích đó, chuyên gia Phạm Thái Hưng cũng đề nghị cần bổ sung chính sách hỗ trợ tham gia BHXH bắt buộc (qua người sử dụng lao động, như cách tiếp cận hiện nay của Quyết định 42/2012/QĐ-TTg và Quyết định 64/2015/QĐ-TTg, nhưng mở rộng đối tượng). Đồng thời, có chính sách hỗ trợ (dưới dạng hỗ trợ một phần, hỗ trợ có điều kiện) tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với đối tượng LĐ là người DTTS đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc để khuyến khích tham gia BHXH liên tục.
“Dự thảo luật cũng nên cân nhắc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu cho lao động DTTS theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW (về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm). Đồng thời có chính sách truyền thông về BHXH cho LĐ là người DTTS nói riêng, lao động nông thôn nói chung”, TS. Phạm Thái Hưng khuyến nghị.
Đây cũng là quan điểm của bà Hoàng Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. Bà Thúy cho rằng, nên ưu tiên cho người DTTS bằng cách giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng, nghĩa là có thể hỗ trợ một phần cho người DTTS tham gia BHXH tự nguyện hoặc có thể hỗ trợ cho người sử dụng LĐ mà sử dụng nhiều đồng bào DTTS tham gia. Bởi đây chính là những chính sách khuyến khích cho đồng bào DTTS tham gia đóng BHXH.
Để phát triển BHXH tự nguyện ở vùng DTTS và miền núi, các chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, bên cạnh những chính sách đặc thù được quy định trong Luật BHXH thì cần đẩy mạnh các chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho LĐ là người DTTS; hỗ trợ cho đồng bào vay vốn phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình… Có như vậy, lao động mới có cơ hội để lao động để tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân vùng DTTS và miền núi, làm rõ lợi ích của chính sách, từ đó người dân chủ động, tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Với chính sách BHXH tự nguyện hiện hành, người tham gia được ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo bằng 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng khác là 10% (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn).
Mức đóng thấp nhất:
- Hộ nghèo: 330.000 đồng/tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ đóng: 99.000 đồng/tháng; người tham gia đóng: 231.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo: 330.000 đồng/tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ đóng: 82.500 đồng/tháng; người tham gia đóng: 247.500 đồng/tháng.
- Người tham gia không thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo: 330.000 đồng/tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ đóng: 33.000 đồng/tháng; người tham gia đóng: 297.000 đồng/tháng; mức đóng cao nhất: 6.523.000 đồng/tháng.