Nền văn hóa thống nhất trong đa dạng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng, nhưng trong đó có nhiều giá trị văn hóa thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Đồng thời mỗi dân tộc cũng có những nét văn hóa độc đáo riêng có tạo nên bản sắc của dân tộc mình.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục qua từng thế hệ con người Việt Nam. Môi trường văn hóa cơ sở là môi trường trong từng gia đình, từng cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố..., trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Trong đó, môi trường văn hóa gia đình và cộng đồng dân cư sẽ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội; môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên nền tảng kinh tế; môi trường văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị...sẽ góp phần tạo nên nền tảng chính trị. Sự kết hợp cả ba môi trường văn hóa đó sẽ tạo thành cốt cách con người Việt Nam, thành nền tảng tinh thần xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
“Tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như bài học sinh động từ thực tiễn ở các địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, nhằm bổ sung các giải pháp để nhiệm vụ của ngành đạt hiệu quả cao”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; môi trường văn hóa dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề cập đến những vấn đề cấp bách trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay; phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam; đoàn kết các dân tộc để phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong xây dựng môi trường văn hóa…
TS.Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch nêu một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay như: Đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa…
Ông cho biết, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chú trọng nội dung phát huy giá trị truyền thống xây dựng gia đình, dòng họ, làng bản trở thành môi trường văn hóa bền vững. Môi trường văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bên cạnh vấn đề phát huy truyền thống, còn có vấn đề tiếp thu văn hóa của các tộc người khác, tiếp thu các giá trị của nhân loại.
“Hiện nay, với công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, sự tiếp biến văn hóa càng diễn ra mang tính chất xuyên tộc người, xuyên biên giới. Do đó, mạng xã hội trở thành cầu nối, điểm trung tâm tác động đến nhận thức, góp phần hình thành các chuẩn mực xã hội. Vì vậy cần nghiên cứu vai trò mạng xã hội với xây dựng môi trường văn hóa”, TS.Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm về việc phát huy truyền thống văn hóa các tộc người ở Việt Nam trong xây dựng môi trường văn hóa, PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết, sự hình thành các sắc thái địa phương chính là tạo nên sự đa dạng của văn hóa tộc người và trong một chừng mực nhất định đã tạo nên tính thống nhất của văn hóa tộc người, và ý thức tộc người.
“Văn hóa các tộc người ở nước ta khá phong phú và đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình tụ cư lâu đời của cư dân từ nhiều nguồn và nhiều thời điểm khác nhau. Chính vì vậy trong chiến lược phát triển vùng cũng như tiểu vùng và tộc người, vấn đề cần thiết là giải quyết hài hòa mối quan hệ văn hóa giữa truyền thống và hiện đại, truyền thống và đổi mới tại khu vực này”, PGS.TS Lâm Bá Nam cho biết.
Diễn đàn lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 24 bài tham luận của 6 chuyên gia, nhà nghiên cứu, 9 cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 9 địa phương đại diện cho các vùng, miền trong cả nước.