Trước hết, những quán bar, karaoke (phòng hát) là những cơ sở kinh doanh có nhiều trang thiết bị, đồ dùng dễ gây cháy, nổ. Vì thế mà đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải được cấp giấy phép bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; được lực lượng PCCC thẩm duyệt hồ sơ và phải được nghiệm thu. Nhưng lâu nay, câu chuyện phòng hát bị sự cố cháy không hề ít. Và con số thương vong dường như càng về sau càng tăng mức độ thiệt hại.
Xin được điểm qua những vụ cháy quán Karaoke trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Trưa 3/5/2014, vụ cháy xảy ra tại quán karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) khi quán này đang hoạt động. Ngôi nhà dùng làm quán karaoke này có 4 tầng và một tum nằm trên diện tích đất rộng khoảng 100m2. Đám cháy khiến toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà, biển quảng cáo phía trước bị ngọn lửa thiêu rụi. Vụ cháy đã khiến 5 người tử vong.
Cũng trong năm 2014, quán karaoke ở phường Đông Kinh (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cũng xảy ra cháy khiến 4 người tử vong. Theo đó, khoảng 16h ngày 6/11, đám cháy bùng phát từ tầng 2 tại quán karaoke NonStop, sau đó lan lên tầng 3 và gây ra sự cố đáng tiếc.
Ngày 1/11/2016, quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) bốc cháy và nhanh chóng lan ra 4 căn nhà bên cạnh. Sau hơn 5 giờ dập lửa, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Vụ cháy đã khiến 13 người tử vong và quán karaoke cùng 4 căn nhà xung quanh hư hỏng nặng.
Ngày 1/8/2022 vừa qua, quán karaoke ISIS tại số nhà 231 Quan Hoa (Cầu Giấy-Hà Nội) đã xuất hiện đám cháy. Thời điểm xảy ra cháy, quán karaoke ISIS đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa. Vụ cháy khiến 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy hi sinh.
Mới đây nhất, và cũng đau đớn nhất, vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương khiến 33 người tử vong. Theo đó, khoảng 21h ngày 6/9/2022, quán karaoke An Phú trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú, TP. Thuận An bốc cháy ngùn ngụt. Sau nhiều nỗ lực của các lực lượng cứu hộ, đám cháy mới được khống chế, nhưng để lại nỗi đau quá lớn. Sau khi khống chế đám cháy, lực lượng chức năng ghi nhận có 33 người là khách và nhân viên quán tử vong.
Theo quy định về công tác PCCC ở các cơ sở quán karaoke và bar, đối với cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000m3 trở lên, phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC như: Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC; có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình…
Về việc kiểm tra quán karaoke, quán bar, vũ trường, theo quy định, cơ quan công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 6 tháng một lần, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar có khối tích từ 5.000m3 trở lên; định kỳ một năm một lần đối các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000m3 trở lên.
Bên cạnh đó, cơ quan công an có thể kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp: Vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về PCCC.
Kiểm tra đột xuất khi phát hiện vi phạm quy định an toàn về PCCC, mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình.
Quy định là vậy, kiểm tra là vậy, nhưng vì sao nhiều phòng hát, quán bar vẫn xảy ra cháy và mức độ thiệt hại lại rất nặng nề? Vấn đề đặt ra ở đây là công tác ứng phó khi có sự cố cháy đã được thực hiện bài bản, đúng trình tự, theo quy định? Nhìn từ hậu quả các đám cháy, rõ ràng là việc ứng phó với sự cố cháy đã không mang lại hiệu quả. Những biển bảng về tiêu lệnh chữa cháy, những kiến thức ứng phó khi gặp đám cháy trong không gian kín của chủ cơ sở kinh doanh, của nhân viên và ngay cả khách hát (người dân) đã có “vấn đề”. Cũng bởi có “vấn đề” nên hậu quả mới đáng tiếc như vậy.
Nguyên nhân vụ cháy ở Bình Dương được xác định ban đầu, là do chập điện. Vậy, công tác kiểm tra, duy tu thường xuyên hệ thống, thiết bị điện phục vụ quán karaoke của chủ sử dụng đã được thực hiện đầy đủ hay chưa?
Lực lượng chức năng ghi nhận có 33 người là khách và nhân viên quán tử vong trong vụ cháy tại Bình Dương mới đây. Nhìn từ con số có thể khẳng định, công tác ứng phó với cháy tại môi trường kín của đại đa số người dân chưa được trang bị đầy đủ. Nếu một giải pháp được đưa ra là, những người khách lấy khăn, áo nhúng ướt nước bịt mũi để tránh khói ngạt, tìm cách lên tầng trên hoặc tầng dưới khi có sự cố cháy ở tầng hiện tại, thì cơ sự đã không đến mức ấy.
Cũng một giả thiết được đưa ra, việc yêu cầu các cơ sở bar, karaoke phải có lối thoát hiểm đảm bảo an toàn mới được cấp phép hoạt động thì sao? Đó cũng là thêm một cơ hội, thêm một cánh cửa để thoát thân với những người ở trong môi trường kín.
Trở lại câu chuyện đám cháy khiến 33 người tử vong ở Bình Dương, rồi đây, cơ quan chức năng tỉnh này sẽ công bố nguyên nhân, trách nhiệm, hướng xử lí của vụ việc. Nhưng cho dù là gì đi nữa thì cơ sự cũng đã xảy ra và con số thiệt hại là quá lớn.
Bài học của Bình Dương, từ Bình Dương sẽ là tiếng thét mạnh mẽ hơn để việc cấp phép, kiểm tra PCCC ở các cơ sở kinh doanh quán karaoke, bar phải chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn; có thể bổ sung thêm các quy định, quy chuẩn khắt khe hơn nữa. Phòng là chính, cha ông ta đã từng nói vậy và đó cũng chính là bài học đắt giá nhất.