Địa hình cách trở, điều kiện còn khó khăn là những trở lực lớn khiến nhiều học sinh DTTS trở lại trường học không đúng lịch sau kỳ nghỉ TếtQuyết liệt vận động học sinh đến trường sau Tết
Sau kỳ nghỉ Tết nguyên Đán, buổi học đầu tiên ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) có gần 20 học sinh nghỉ học. Tất cả học sinh của Trường vắng mặt trong buổi học đầu tiên đều là học sinh DTTS. Ngay trong buổi sáng, Nhà trường đã cử giáo viên xuống từng bản, đến từng nhà để tìm hiểu thông tin và vận động học sinh trở lại trường. Chỉ sau một thời gian ngắn, các phụ huynh đều đồng tình với Nhà trường, cam kết sẽ sớm đưa các con đi học trở lại.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nhôn Mai cho biết: "Trường có 268 học sinh và có 197 học sinh thuộc diện bán trú. Với địa hình núi cao, có những học sinh nhà cách trường 10km, đây là một phần lý do sau Tết Nguyên đán, các em học sinh có tâm lý ngại đến trường. Tuy nhiên chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà học sinh có ý định thôi học để vận động. Kiên quyết không để học sinh nào bỏ học giữa chừng”.
Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An) vào bản để vận động học sinh đi học trở lại sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025Dù đã bước vào tuần học thứ 3 sau kỳ nghỉ Tết nguyên Đán Ất Tỵ, nhưng hàng chục học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bảo Thắng (xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn chưa đến trường học. Với quyết tâm không để học sinh bỏ học sau Tết, các giáo viên cùng cán bộ xã, công an xã phải đi vào bản, đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Chủ yếu học sinh chưa đến trường nằm ở các bản sâu xa như bản Thà Lạng, Ca Da và Xao Va (xã Bảo Thắng).
Thầy Lê Dương Lê - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bảo Thắng cho biết, ngoài việc gia đình các em học sinh ở xa trung tâm thì dịp đầu năm ở bản thường có nhiều lễ hội và các phong tục tập quán hoặc cưới xin nên còn tình trạng học sinh nghỉ học ở nhà.
Thầy Lê cho biết thêm, toàn trường có 444 học sinh với 100% là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú. Sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có 28 học sinh không đến lớp. Sau khi được các thầy cô giáo, cán bộ, công an xã đến tuyên truyền vận động thì các em đã quay trở lại trường. Hiện vẫn còn một vài em chưa đến trường học.
Nhờ kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo và tuyên truyền vận động kịp thời nên sau kỳ nghỉ Tết, học sinh DTTS ở huyện A Lưới (Tp. Huế) đến trường đầy đủNhiều giải pháp ngăn chặn học sinh bỏ học
Việc ổn định dạy học, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết đã được Sở Giáo và Đào tạo và các tỉnh Bắc Trung Bộ chỉ đạo. Các đơn vị trường học và chính quyền địa phương cấp xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Thầy Phan Trọng Trung - Trưởng phòng Giáo dục huyện Con Cuông (Nghệ An) chia sẻ: “Công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp có tính quyết liệt để hạn chế học sinh bỏ học sau Tết được ngành Giáo dục triển khai từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán”.
Cùng với ngành Giáo dục, các xã vùng đồng bào DTTS ở huyện Con Cuông cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế học sinh DTTS bỏ học và bị lôi kéo dẫn đến bỏ học sau Tết. Trong đó, lực lượng Công an xã đả chủ động nắm bắt thông tin sớm từ đó phát hiện các biểu hiện bỏ học,bị lôi kéo học dẫn tới bỏ học để tham mưu chính quyền địa phương đến tận nhà để tuyên truyền, vận động.
Đối với các thanh niên đã từng bỏ học đi làm ăn xa trở về quê đón Tết, nếu có biểu hiện vận động các em bỏ học để đi làm cùng, chính quyền địa phương có biện pháp tuyên truyền, răn đe. Nhờ đó, đến thời điểm này trên địa bàn huyện Con cuông chưa ghi nhận học sinh DTTS bỏ học.
Còn trên địa bàn huyện A Lưới (TP. Huế), sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang tuyển dụng lao động. Trong đó, có đơn vị tuyển dụng có sử dụng cả học sinh, trẻ vị thành niên. Trước thực tế đó, ngày 7/2, UBND huyện A Lưới có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý học sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên đi lao động trái pháp luật.
UBND huyện A Lưới đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định. Kiên quyết không để tình trạng học sinh bỏ học đi lao động trái pháp luật. Các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, không để tình trạng các doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động là học sinh, trẻ em, trẻ chưa thành niên trái pháp luật...
Thầy Hồ Văn Khởi - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết, đặc thù vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn vất vả đối với học sinh. Nếu không đi vận động, nhiều học sinh sẽ bỏ học. Những ngày đầu sau Tết, tỷ lệ học sinh mầm non và tiểu học đến lớp đạt 100% nhưng với học sinh THCS thì vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học.
Bằng sự quyết tâm cao, nhất là sự quyết tâm cao của giáo viên cắm bản đã phần nào hạn chế được học sinh DTTS bỏ học sau các kỳ nghỉ. Tuy nhiên để đồng hành với ngành Giáo dục trong việc chăm lo việc học của con trẻ rất cần sự vào cuộc của gia đình, các cấp chính quyền, nhất là đối với phụ huynh người DTTS cần nâng cao hơn nữa nhận thức tầm quan trọng của việc học đối với con em mình. Có như vậy thì “chuyện buồn” học sinh DTTS bỏ học giữa chừng mới chấm dứt.