Kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông đi lại khó khăn; đa số người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện giao lưu, tiếp cận với nhiều địa bàn lân cận, trong khi một số luật tục và quan niệm lạc hậu vẫn duy trì.... Đây là những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn là nỗi buồn chưa bao giờ cũ ở miền biên ải Cao Bằng.
Nhiều hệ lụy
Xóm Lũng Liềm, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm có 180 hộ với hơn 600 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước, mỗi năm xóm đều có từ 5 - 10 hộ gia đình đồng bào Mông tảo hôn.
Em Chang Thị Sinh, xóm Lũng Liềm lấy chồng từ năm 13 tuổi. Đang học lớp 5, Sinh phải nghỉ học giữa chừng. Có chồng và sinh con sớm, lại không không có việc làm ổn định, kinh tế gặp khó khăn nên kinh tế gia đình Sinh rất khó khăn.
“Em lấy chồng sớm do cha mẹ sắp đặt, khi về nhà chồng cũng chỉ biết làm nương, chăn nuôi bò cuộc sống khó khăn, bữa đói, bữa no”, Sinh chia sẻ.
Theo ông Vừ Văn Xì, Trưởng xóm Lũng Liềm, tình trạng tảo hôn trong xóm chủ yếu là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân. Gần đây có thêm sự tác động của mạng xã hội có nội dung xấu đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến một số trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học lấy chồng.
Không riêng xóm Lũng Liềm mà trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn dai dẳng. Toàn huyện có 66.000 nhân khẩu, với 9 dân tộc anh em (đồng bào DTTS chiếm trên 98% dân số) sinh sống tại 12 xã, 1 thị trấn. Từ năm 2015 đến năm 2023, toàn huyện có 542 cặp tảo hôn và 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, Bảo Lâm có 29 cặp tảo hôn và 2 cặp kết hôn cận huyết thống.
Theo ông Hoàng Văn Thọ, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm, các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện chủ yếu xảy ra ở xóm đồng bào dân tộc Mông, Dao. Những trường hợp trên thường rơi vào các hộ gia đình ở xa trung tâm xóm, sống cách biệt, ít được tiếp xúc với bên ngoài.
“Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vì nhiều tập quán, quan niệm lạc hậu ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thay đổi được”, ông Thọ chia sẻ.
Nhận diện nguyên nhân
Không riêng huyện Bảo Lâm mà tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn dai dẳng ở các địa phương khác thuộc tỉnh Cao Bằng. Đơn cử tại huyện Hà Quảng, theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, chiếm 10,77%.
Trong đó có 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao, 101 cặp dân tộc Nùng, 8 cặp dân tộc Tày; có 234 nam giới kết hôn dưới 20 tuổi, 266 nữ giới kết hôn dưới 18 tuổi. Tổng số cặp kết hôn tảo hôn 1 người (vợ hoặc chồng) là 188 cặp/3.277 cặp kết hôn, chiếm 5,73%. Ngoài ra, giai đoạn 2015 – 2023, toàn huyện có 13 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Tính chung cả tỉnh, theo tổng hợp của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2015 – 2023, toàn tỉnh có 2.114 cặp tảo hôn và 26 cặp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 717 cặp tảo hôn, 9 cặp kết hôn cận huyết thống. Trước đó, giai đoạn 2015 -2020, toàn tỉnh có 1.397 cặp tảo hôn và 26 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Theo ông Nông Văn Khôi, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, những năm qua, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt. Trong đó, so với giai đoạn 2015 – 2020 thì giai đoạn 2021 – 2023 giảm 680 cặp tảo hôn và giảm 17 cặp hôn nhân cận huyết thống.
“Tuy công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế”, ông Khôi cho biết.
Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, ông Nông Văn Khôi, có nhiều nguyên nhân khiến công tác giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Một phần là do phong tục, tập quán, quan niệm truyền thống của đồng bào DTTS về hôn nhân còn lạc hậu, nhận thức về các quy định pháp luật hôn nhân và gia đình còn hạn chế; một phần là do kinh tế - xã hội phát triển chậm; hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông đi lại khó khăn, ít có điều kiện giao lưu, tiếp cận với nhiều địa bàn lân cận.
“Ngoài ra, sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết. Một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, thiếu sự chỉ đạo cụ thể”, ông Khôi chia sẻ.
Để từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, theo ông Khôi, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại, hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn và kết hôn trẻ em.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt là tích cực triển khai các nội dung chính sách tại Tiểu dự án 2 - Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.