Cùng tham dự có Thị trưởng thành phố Nagasaki Suzuki Shiro.
Chia sẻ với Thị trưởng Suzuki Shiro và lãnh đạo Bảo tàng, lãnh đạo Công viên Hòa Bình về những mất mát, đau thương mà Nagasaki đã trải qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, tất cả người dân trên thế giới đều mong ước được sống trong hòa bình, không có chiến tranh.
Chủ tịch Quốc hội thông tin với Thị trưởng thành phố Nagasaki, gần đây vào tháng 11/2024, tại thủ đô Phnom Pênh, Campuchia, thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam, với tư cách là khách mời đặc biệt của nước chủ nhà, Chủ tịch Quốc hội đã tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã có phát biểu quan trọng, khẳng định: Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình với truyền thống bao dung, nhân nghĩa, hòa hiếu; trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị để mỗi người dân đều được hưởng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Sau khi đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử tại Công viên Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thăm Bảo tàng tư liệu bom nguyên tử Nagasaki.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã viết: “Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và luôn mong muốn các dân tộc trên thế giới sẽ cùng nhau hướng tới hòa bình, thịnh vượng, cùng nhau phát triển”.
Công viên Hòa bình Nagasaki được xây dựng vào năm 1955 để tưởng niệm những nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki ngày 9/8/1945.
Hiện nay, Công viên đang trưng bày các tác phẩm, công trình nghệ thuật do nhiều quốc gia đóng góp, thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm với những đau thương, mất mát mà nhân dân Nhật Bản đã trải qua, đồng thời thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình thế giới.
Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki nằm trong khuôn viên Công viên Tưởng niệm Hòa bình, nơi có Nhà vòm bom nguyên tử đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới; nơi lưu giữ và trưng bày hiện vật gồm nhiều vật dụng của các nạn nhân và phần còn lại của những công trình đã bị tàn phá.