Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội:
Hà Nội chỉ có 1,3% dân số là DTTS nhưng thành phần dân tộc đông, địa bàn trải rộng. Ngay sau khi có Nghị quyết số 88/2019/QH14, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đưa các nội dung của Nghị quyết 88 vào Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và đưa vào 10 công tác trọng tâm của UBND Thành phố. Đến nay, Thành phố đã thông qua và chuẩn bị ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, chúng tôi kiến nghị, Trung ương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện để có cơ sở thực hiện, bảo đảm cụ thể, phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình bầu Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, một số thôn không còn nằm trong diện thôn vùng DTTS và miền núi.
Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai:
Thời gian qua, Ban Dân tộc đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các nội dung hỗ trợ theo Chương trình MTQG, nhưng hiện chưa có quyết định phê duyệt về định mức hỗ trợ, do đó các sở ngành chưa có cơ sở để ban hành định mức ở địa phương. Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai đề nghị, Trung ương sớm hoàn chỉnh và ban hành cơ chế phân bổ, định mức thực hiện Chương trình MTQG.
Một khó khăn nữa là hiện nay, Đồng Nai chưa có đủ tài liệu để triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc theo Quyết định 771 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025”. Địa phương cũng kiến nghị Trung ương sớm xem xét, công nhận 100 ấp/42 xã không nằm trong vùng DTTS và miền núi được nằm trong diện triển khai chính sách dân tộc.
Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa:
Dù tỉnh đã ban hành Kế hoạch trọng tâm để triển khai Chương trình MTQG với 10 nghị quyết phát triển vùng DTTS và miền núi, nhưng nếu không có chính sách đặc thù, việc triển khai chính sách dân tộc vùng DTTS và miền núi là rất khó khăn. Đặc biệt các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế, chính sách giáo dục; việc bổ sung tiêu chí nâng cao trong việc bình xét Người có uy tín trong tình hình mới.
Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam:
Hiện tỉnh Quảng Nam đang có tình trạng thiếu cán bộ cơ sở để triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG. Chúng tôi kiến nghị được thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở để Ban Dân tộc điều hành, chỉ đạo được thông suốt trong thực hiện Chương trình MTQG. Đồng thời, trong Chương trình MTQG, nên tập trung cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, liên kết sản xuất, xây dựng được các tổ hợp tác, tránh dàn trải; chú trọng việc lấy cơ sở, lấy người dân làm trung tâm.
Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn:
Đề nghị Chính phủ, UBDT, các Bộ ngành Trung ương sớm tham mưu, nghiên cứu, ban hành Luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS, có các cơ chế, chính sách để cơ sở, địa phương thực hiện bảo đảm thuận lợi. Đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở. Về Chương trình MTQG, đề nghị ưu tiên triển khai các dự án cấp thiết; khẩn trương phân khai nguồn vốn để cơ sở chủ động thực hiện; có chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS ở các vùng không được công nhận là vùng III, vùng ATK, biên giới bởi những nơi này vẫn còn nhiều hộ khó khăn, cần có chính sách riêng.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn:
Hiện Ban Dân tộc Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn bởi việc giải thể phòng Dân tộc cấp huyện, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình MTQG sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu đầu mối, thiếu cán bộ. Đề nghị UBDT sớm có Thông tư hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan công tác dân tộc, bảo đảm thống nhất trong toàn quốc; từ đó các địa phương có điều kiện, cơ sở để thực hiện tốt Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, Trung ương cần phân cấp mạnh cho các địa phương về cơ chế, quản lý, điều hành, từ đó linh hoạt lồng ghép Chương trình MTQG với các chương trình, chính sách khác để thực hiện, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Nguồn vốn cần bảo đảm giao theo phân kỳ, giao sớm, giao đủ nguồn để tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Đề nghị Lãnh đạo UBDT thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình và làm việc với các địa phương, từ đó nâng tầm cơ quan công tác dân tộc cơ sở. Duy trì việc giao ban định kỳ để các địa phương và Trung ương có tiếng nói chung trong thực hiện chính sách dân tộc…