Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Cùng dự còn có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; gần 160 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành, cơ quan tư pháp trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nhà nước pháp luật.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp 1946, Cương lĩnh 1991; đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII đã chính thức xác định: “xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân”; Cương lĩnh 2011 khẳng định “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là 1 trong 8 đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
Thực hiện kế hoạch xây dựng Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tổ chức 2 hội thảo quốc gia tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo Ban tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ ba tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này đã tham gia rất tích cực, tâm huyết, trách nhiệm với các tham luận gửi về rất công phu, có nội dung rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá để đóng góp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học có những đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn đề cập những vấn đề đặt ra cần giải quyết, từ đó đề xuất những vấn đề thuyết phục, có cơ sở lý luận thực tiễn phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Các đại biểu tham dự hội thảo tham luận, thảo luận về những đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, như: các quan điểm, vấn đề, giải pháp có tính đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; mô hình lý luận về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhu cầu và tầm nhìn của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nhận thức mới về Nhà nước để giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tiếp tục trình bày và trao đổi, thảo luận những vấn đề mới, đột phá cụ thể trong từng nội dung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045./.