Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Quang Phương; đại diện Ban Nội chính Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước; đại diện các Tiểu ban, …
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Phiên họp lần thứ Ba theo đúng tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch số 106-KH/ĐĐQH15 ngày 10/8/2021 của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch số 02-KH/BCĐ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước đó Ban Chỉ đạo đã tổ chức Phiên họp thứ Hai để thông qua Chuyên đề số 10 “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Cho ý kiến đối với Chuyên đề số 12 “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tiểu ban số 03; và nghe Tiểu ban số 01, Tiểu ban số 02 báo cáo tiến độ triển khai các chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Phiên họp tập trung cho ý kiến, đóng góp tích cực, chất lượng vào nội dung dự thảo Báo cáo chuyên đề số 12 “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; bổ sung thêm những đề xuất, kiến nghị, giải pháp khoa học, khả thi để giúp Tiểu ban và Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Báo cáo tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Trưởng Tiểu ban số 03 Nguyễn Văn Hiển cho biết, triển khai nhiệm vụ xây dựng Chuyên đề số 12: “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Tiểu ban xây dựng chuyên đề số 12 (Tiểu ban số 03) do đồng chí Nguyễn Khắc Định làm trưởng Tiểu ban; giao Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Đảng Đoàn Quốc hội trong việc xây dựng chuyên đề; chỉ đạo Tiểu ban số 03 và cơ quan thường trực nghiên cứu, xây dựng chuyên đề số 12.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Tiểu ban số 03: (1) Xây dựng dự thảo chuyên đề số 12; (2) Thảo luận kỹ lưỡng tại các cuộc họp Tổ Biên tập và Tiểu ban; (3) Nhiều lần’ gửi xin ý kiến thành viên Tiểu ban và các chuyên gia, nhà khoa học; (4) Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo và gửi xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan và tổ chức hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Tại Phiên họp thứ Hai ngày 19/10/2021, Ban Chỉ đạo các chuyên đề được phân công của Đảng đoàn Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo chuyên đề số 12 và ra thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo đối với dự thảo chuyên đề. Theo đó, cơ bản các ý kiến góp ý đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học của Tiểu ban và cơ quan thường trực là Viện Nghiên cứu lập pháp. Chuyên đề bảo đảm cả về mặt lý luận và thực tiễn; tính chính trị - pháp lý trong các đánh giá, nhận định; bảo đảm về mặt tiến độ và kế hoạch mà Ban Chỉ đạo đề ra.
Phó Trưởng Tiểu ban số 03 cũng cho biết, Chuyên đề số 12 gồm 03 nội dung chính: Những vấn đề chung về cơ chế bảo vệ Hiến pháp; Thực trạng cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền; Quan điểm, mục tiêu, giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Một số nội dung, Tiểu ban xin ý kiến tại Phiên họp gồm: Những vấn đề nhận thức chung về bảo vệ Hiến pháp; Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn vận hành cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay; Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các phương án hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Tiểu ban số 03 đồng thời tán thành với kết cấu, nội dung cơ bản của Báo cáo chuyên đề số 12. Một số ý kiến đề nghị, làm rõ nội hàm vi phạm Hiến pháp; làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận, thực tiễn của chuyên đề; nhấn mạnh vai trò, chức năng bảo vệ Hiến pháp của Nhân dân;… Một số ý kiến khác cho rằng, vấn đề xây dựng cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, chưa có tiền lệ. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu thận trọng và có phương án trình cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ;…
Tiếp thu các ý kiến góp ý tại Phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Trưởng Tiểu ban số 03 cho biết, Tiểu ban sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sâu sắc hơn các nội dung góp ý của các đại biểu. Từ đó, hoàn thiện Báo cáo chuyên đề số 12 “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đảm bảo chất lượng cao nhất.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Tiểu ban số 3. Qua thảo luận, các ý kiến đều nhất trí thông qua Báo cáo chuyên đề số 12 "Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, để hoàn thiện Báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tiểu ban số 3 khẩn trương tiếp thu tối đa, đầy đủ các ý kiến phát biểu thảo luận.
Nhấn mạnh đây là một trong những chuyên đề quan trọng nằm trong các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Tiểu ban số 3 tập trung làm rõ hơn một số nội dung các đại biểu đã nêu. Trong đó, đánh giá thêm kinh nghiệm các nước về mô hình bảo hiến; làm rõ hơn vai trò trung tâm của Quốc hội trong bảo vệ Hiến pháp;... đồng thời rà soát, đảm bảo Báo cáo thể hiện logic, chặt chẽ./.