Cao sằng
Tên gọi của bánh có thể là tiếng địa phương, “cao” là bánh còn “sằng” là tầng, xếp các tầng bột lên cho thật dày. Bánh cao sằng làm từ gạo tẻ, được đúc thành miếng, dày gấp 10 lần bánh phở.
Bề mặt của cao sằng được rải một lớp lạc rang giã nhỏ, khi chín bột gạo đặc quánh lại, ăn rất mềm. Gia vị kèm theo cao sằng khá đơn giản, trong đó quan trọng nhất là nước canh hầm từ xương ống lợn, rau thơm, dấm nấu chín, nước mắm, tương ớt, hạt tiêu và măng ớt…
Bánh có vị thanh của gạo nếp, vị thơm bùi của lạc, vị béo ngậy của nước hầm xương, vị chua của dấm, vị cay của ớt… Cao sằng có bán quanh năm, nhưng người xứ Lạng ưa chuộng nhất vẫn là mùa đông.
Coóng phù
Tên gọi của bánh xuất phát từ ngôn ngữ dân tộc Tày, Nùng. Bánh có hình dáng giống bánh trôi, nhưng cách thức chế biến thì có nhiều điểm khác biệt. Bánh được làm từ bột gạo nếp, có thể cho nhân hoặc không nhân. Điểm nhấn của coóng phù Lạng Sơn là nồi nước đường, người ta cho đường phên và một chút gừng vào nồi, cho nước vào nồi rồi đun đến một mức độ nhất định thì thả bánh trôi vào. Khi bánh chín và nổi lên bề mặt thì vớt ra bát, cho thêm một chút lạc giã nhỏ, chút dừa và thưởng thức.
Bát coóng phù nóng hổi nghi ngút khói, khiến cho người ăn cảm thấy ấm lòng trong tiết trời giá rét. Vị ngọt của đường phên, vị thơm của gạo nếp, vị cay của gừng, vị bùi của lạc, vị thanh của dừa… hòa quện với nhau, tạo nên sự thơm ngon đặc biệt của bát coóng phù.
Bánh cuốn
Bánh cuốn là thức quà sáng phổ biến ở khắp mọi miền đất nước, bánh được làm từ bột gạo tẻ, tráng thành lớp mỏng, có thể bỏ chút thịt làm nhân bánh. Ở Lạng Sơn bánh cuốn cũng được làm như mọi nơi khác, nhưng điều khiến bánh cuốn Lạng Sơn trở nên đặc biệt chính là nước chấm.
Nước chấm được làm rất cầu kỳ, đó là hỗn hợp của gần chục loại nguyên liệu khác nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là thịt băm nhuyễn rồi đem ninh thật nhừ với nước xương ống lợn, dấm đun sôi. Khi pha nước chấm, cho thịt lợn đã ninh nhừ ra bát, bỏ rau thơm (mùi tàu) đã thái nhỏ lên trên thịt, chan nước hầm xương khoảng nửa bát, thêm dấm, nước mắm, xì dầu, hồ tiêu, măng ớt… Bát nước chấm pha chế thành công sẽ có vị béo ngậy của thịt và nước hầm xương, vị chua của dấm, vị mặn của nước mắm và xì dầu, vị cay của ớt và hồ tiêu, mùi thơm của rau thơm.
Ở thành phố Lạng Sơn hầu như phố nào cũng có quán bánh cuốn, bánh thường có 2 loại chính: bánh cuốn thịt và bánh cuốn trứng gà. Lên thăm xứ Lạng vào mùa Đông, trong tiết trời mưa lất phất, gắp miếng bánh cuốn nóng hổi chấm vào bát gia vị tỏa hơi nghi ngút, vừa ăn vừa ngắm thành phố để tận hưởng một cảm giác vô cùng thú vị.
Bánh mì nướng
Bánh mì nướng của Lạng Sơn có hương vị riêng, đó là bánh mì nướng và quệt dầu hào. Quy trình nướng bánh mì bắt đầu từ công đoạn nướng cho bánh giòn, sau đó quệt hỗn hợp dầu hào và mật ong để bánh có màu vàng, thơm ngon. Nước chấm bánh mì cũng là điểm nhấn rất đặc biệt, nó có vị ngọt của đường kính, vị cay của tương ớt, vị chua của quất, vị béo ngậy của dầu hào, và mùi thơm của rau mùi tàu.
Bánh mì nướng được bán quanh năm, tuy nhiên được ưa chuộng nhất có lẽ vẫn là mùa đông. Trên khắp các ngõ phố xứ Lạng, dù là sáng, chiều hay tối, người ta cũng đều dễ dàng bắt gặp quán bánh mì nướng. Bạn dễ dàng nhìn thấy cảnh từng tốp bạn ngồi vừa thưởng thức món bánh giòn tan, vừa nhâm nhi cốc trà nóng và tán gẫu những câu chuyện vô cùng đời thường.