Thí sinh người Ba Na mồ côi cha, cân nặng chỉ 29kg
Ở ngôi làng người Ba Na tại xã Hà Tây (huyện Chư Păh), em Yưng (lớp 12A1, Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái) đã 21 tuổi, nhưng vì sinh non, bị suy dinh dưỡng nên em mới chỉ cao hơn 1m, nặng 29 kg. Sớm mồ côi cha, nên chàng trai nhỏ bé này phải phụ giúp mẹ chăm sóc 4 em đang tuổi ăn học. Ngoài thời gian lên lớp, em còn phải lên nương, rẫy làm việc. Cuộc sống nghèo khó, nhưng không ngăn được ước mơ chinh phục những con chữ của chàng trai bé nhỏ ấy.
Chính vì thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà bản thân cũng như gia đình đang gặp phải, nên cậu học trò này cố gắng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với kỳ vọng đạt số điểm cao. Từ đó, xét tuyển vào các trường kỹ thuật hoặc học nghề.
“Em thích học kỹ thuật máy tính, lập trình… Đồng thời, em cũng dự định sẽ chuyển sang học các trường nghề để sớm có việc làm, phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học”, Yưng bộc bạch.
Bà Yap (mẹ của Yưng) chia sẻ: Yưng bị bệnh từ nhỏ, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thua thiệt bạn bè đủ thứ. Mai này, nếu không có công việc ổn định thì càng khó khăn hơn. Vậy nên, bà luôn vận động con cố gắng học tập để sau này kiếm được việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, sức khỏe của mình.
Thấy học trò nhỏ nhưng trí cao, thầy cô và bạn bè đều yêu mến và tạo mọi điều kiện giúp Yưng đến trường học đều đặn, thực hiện ước mơ của mình. Thầy Lê Viết Thọ - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái, huyện Chư Păh cho biết: “Yưng rất ngoan hiền, thân thiện, hòa đồng với bạn bè và nỗ lực rất nhiều trong học tập. Trong những giờ lên lớp, tôi luôn dành thời gian hỏi han, tâm sự cùng em Yưng và định hướng cho em học nghề để có công việc tốt nhất. Yưng chính là tấm gương sáng về “vượt lên chính mình” để học sinh trong trường noi theo, phấn đấu học tập, trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội”.
Hai thầy giáo “vượt vũ môn”
Tại điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh), có 2 giáo viên năm nay 47 và 48 tuổi, đang công tác ở hai trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia dự thi. Đó là thí sinh Rơ Châm Ui và Rơ Châm Un.
Theo tâm sự của thí sinh Rơ Châm Ui (47 tuổi, Giáo viên văn hóa Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ia O, huyện Ia Grai): Bản thân làm trong ngành Giáo dục được gần 20 năm. Trước đây, do tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm 9+3 nên không có bằng THPT.
Kể từ năm 2020, quy định về chuẩn hóa bằng cấp nên thầy đã xin nhà trường cho đi học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh để bổ sung bằng THPT bị thiếu.
“3 năm liền, cứ hễ cuối tuần, tôi lại vượt hơn 60 km sang huyện Chư Păh để học vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Tuy tuổi đã cao, nhưng tôi cố gắng hết sức để tham gia đầy đủ các buổi học và luôn hoàn thành bài tập mà thầy cô giao. Trước đây chúng tôi học, kiến thức khác, nên giờ để bắt kịp chương trình cũng phải nỗ lực rất nhiều”, thầy Ui tâm sự.
Là thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp lần thứ 2, thầy Rơ Châm Un (48 tuổi, giáo viên văn hóa Trường Tiểu học Cù Chính Lan, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) đã đặt quyết tâm cao để thực hiện ước muốn của mình vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Công tác trong ngành Giáo dục đã 28 năm, thầy Un đã trải qua những khó khăn, vất vả của hành trình “gieo chữ” nơi biên giới. Hơn ai hết, bản thân thầy nhận thấy cần phải cố gắng hơn trong công việc để nâng cao trình độ, nhận thức cho bà con nơi đây. Để làm tốt điều đó, thầy cho rằng bản thân phải làm gương cho con, cho học trò, vì vậy thầy đã quyết tâm tham gia kỳ thi tốt nghiệp năm nay và cũng là thực hiện bổ sung bằng THPT theo quy định.
Thầy Un tâm sự: Sau khi thi xong các môn thi ngày đầu tiên, tôi thấy đề không quá khó, nhưng bản thân làm chưa xong toàn bộ các câu hỏi mà đề đưa ra, nên kết quả thì chưa biết thế nào. Tôi mong sẽ có được tấm bằng tốt nghiệp THPT để tiếp tục với hành trình gieo chữ vùng biên giới.
Với quyết tâm không để thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế khó khăn, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất ngân sách địa phương trên 1,087 tỷ đồng để hỗ trợ 2.615 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, thí sinh khuyết tật, thí sinh người DTTS tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.