Bài 2: Tính phụ cấp theo ngạch, bậc
Phụ cấp theo bậc lương và thâm niên
Theo chính sách về cán bộ quản lý, nhà giáo công tác ở vùng kinh tế-xã hội ĐBKK, giáo viên dạy ở những địa bàn này được hưởng 140% phụ cấp mức lương hiện hưởng; gồm phụ cấp ưu đãi 70% và phụ cấp thu hút 70% (thời hạn không quá 5 năm, thuộc diện luân chuyển, điều động).
Nhìn qua thì quy định này không có gì đáng bàn, là sự động viên đối với đội ngũ nhà giáo công tác ở địa bàn ĐBKK. Nhưng khi áp dụng vào việc chi trả thực tế thì có sự chênh lệch rất lớn đối với từng trường hợp cụ thể.
Lấy bảng lương tháng 4/2017 của Trường Tiểu học Hữu Lập (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) làm ví dụ. Theo bảng lương này, sau khi tính hết các khoản phụ cấp thì mức lương của cán bộ, giáo viên (không tính nhân viên) thấp nhất là trên 7 triệu đồng/người/tháng, cao nhất là trên 13,5 triệu đồng/người/tháng. Do cách tính phụ cấp dựa vào hệ số lương ngạch, bậc và phụ cấp thâm niên nghề nên có sự chênh lệch về thu nhập giữa các giáo viên; có nhiều trường hợp không có phụ cấp chức vụ nhưng thu nhập hàng tháng vẫn cao hơn thành viên Ban Giám hiệu.
Như trường hợp bà Trần Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Lập, được hưởng phụ cấp chức vụ 0,4, phụ cấp ưu đãi 2,195, phụ cấp khu vực 0,7. Do hệ số lương của bà Thảo mới ở mức 3,99, phụ cấp thâm niên nghề chỉ là 0,88 nên tiền lương một tháng bà chỉ nhận được 9.930.000 đồng. Đây cũng là thu nhập từ lương của ông Trần Sỹ Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Trong khi đó, là giáo viên nhưng cô Phan Thị Vinh có thu nhập từ lương là 12.799.000 đồng/tháng. Ngoài hệ số lương hiện hưởng là 4,89 thì cô Vinh còn được tính phụ cấp thâm niên nghề là 1,56. Cũng như cô Vinh, một số giáo viên khác trong trường cũng có thu nhập từ lương cao hơn hai thành viên Ban Giám hiệu do hệ số lương và phụ cấp thâm niên nghề cao hơn.
Sự chênh lệch về thu nhập hàng tháng của giáo viên cùng công tác ở Trường Tiểu học Hữu Lập rõ nét hơn cả khi so sánh bảng lương giữa giáo viên lâu năm và giáo viên chưa có nhiều năm công tác, tính theo hệ số lương và phụ cấp thâm niên nghề. Cô giáo Lò Thị Phương có hệ số lương 3,03, phụ cấp thâm niên nghề 0,33 nên thu nhập chỉ được 7.438.000 đồng/tháng. Việc chênh lệch hơn 5 triệu đồng/tháng so với cô giáo Phan Thị Vinh là khoản không hề nhỏ, trong khi cả hai cùng công tác tại một trường ở địa bàn ĐBKK.
Đó là chưa tính, các giáo viên ở Trường Tiểu học Hữu Lập đều đã có thâm niên công tác ở địa bàn miền núi Kỳ Sơn; người ít thì cũng đã có 9 năm giảng dạy, người nhiều thì cũng đã có gần 30 năm. Nếu ở những trường khác, với những giáo viên mới ra trường thì sự chênh lệch về thu nhập hàng tháng giữa người lâu năm với người mới vào nghề là rất lớn. Bởi, với giáo viên mới ra trường thì hệ số lương thấp, phụ cấp thâm niên nghề không có.
Sống nhờ phụ cấp
Trên thực tế, những bất cập trong chế độ tiền lương đã được chỉ rõ. Trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là việc chi trả phụ cấp cho giáo viên công tác ở vùng ĐBKK cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định.
Hiện nay, lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được xếp theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, giáo viên mầm non-tiểu học được xếp từ hạng IV (1,86-4,06), hạng III (2,1-4,89), hạng II (2,34-4,98); Giáo viên trung học cơ sở được xếp lương với hệ số từ hạng III (2,1-4,89), hạng II (2,34-4,98), hạng I (4,0-6,2); Giáo viên trung học phổ thông được xếp từ hạng III (2,34-4,98), hạng II (4,0-6,2), hạng I (4,4-6,78). Ngoài khoản lương trên giáo viên còn được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp thâm niên công tác.
Vẫn là nhận định “giáo viên không sống được bằng lương”, nhưng ở đây cần thêm vế “chủ yếu sống bằng phụ cấp”. Bởi thực tế, tính tổng thu nhập hàng tháng của một giáo viên công tác ở địa bàn ĐBKK, các khoản phụ cấp đã cao hơn lương rất nhiều. Như cô giáo Phan Thị Vinh ở Trường Tiểu học Hữu Lập, hệ số lương ngạch, bậc là 4,89, còn cộng tất cả các hệ số phụ cấp là thành 5,69, đưa tổng hệ số lương, phụ cấp của cô lên thành 10,58.
Cũng chính vì chủ yếu thu nhập từ phụ cấp nên khi xã Hữu Lập thoát khỏi danh sách xã ĐBKK, Trường Tiểu học Hữu Lập bị cắt giảm chế độ phụ cấp hàng tháng từ tháng 2/2017, giáo viên nhà trường đã hụt hẫng, sinh hoạt bị xáo trộn; người giảm nhiều thì 2,5-3 triệu đồng/1 tháng, người thấp thì cũng gần một tháng lương cơ bản.
Không chỉ riêng giáo viên của Trường Tiểu học Hữu Lập mà từ đầu năm 2017, toàn huyện Kỳ Sơn có 16 bản của 6 xã cũng bị cắt do đã thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Do vậy, chiếu theo chính sách đối với nhà giáo công tác ở địa bàn ĐBKK, các giáo viên ở 16 bản này bị cắt giảm phụ cấp.
Việc giáo viên công tác ở địa bàn ĐBKK đang chủ yếu thu nhập từ phụ cấp là vấn đề cần lưu tâm. Bởi với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo, nhiều địa bàn sẽ thoát khỏi tình trạng ĐBKK, đồng nghĩa lúc đó nhiều phụ cấp cho giáo viên sẽ bị cắt giảm.
Để giáo viên tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ kịp thời khi có sự chuyển đổi này. Về lâu dài, việc cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên không quá phụ thuộc vào phụ cấp có lẽ là giải pháp căn cơ. Bởi thực tế, hiện dù có rất nhiều chế độ phụ cấp, ngân sách chi trả cũng không hề nhỏ nhưng thực tế giáo viên công tác ở địa bàn ĐBKK vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đây là vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
SỸ HÀO