Đơn nguyên TBPHCN thuộc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh, được thành lập và đi vào hoạt động hơn 6 năm nay. Mỗi ngày Khoa đón không ít bệnh nhi đến điều trị chứng bệnh tự kỷ.
Điều dưỡng Đoàn Thị Thu Trang đã gắn bó với khoa ngay từ ngày thành lập. Chị chứng kiến không biết bao em nhỏ mắc bệnh; có em khóc cười vô cớ, em thì khó khăn trong vận động, em không biết biểu lộ cảm xúc, và kém về mặt giao tiếp...; "Để điều trị cho những bệnh nhi này, ngoài việc giúp các em phục hồi chức năng, chúng tôi cũng là người dạy các em như những giáo viên tại lớp học mầm non”, chị Trang chia sẻ.
Bé Q. là một trong những bệnh nhi đang điều trị tại Đơn nguyên TBPHCN. Sau hơn 1 năm "đi học" tại đây, trải qua 4 đợt điều trị, từ một cậu bé chậm nói, tương tác kém, có nhiều biểu hiện rõ ràng của bệnh tự kỷ, thì hiện giờ Q. đã có thể biểu hiện cảm xúc, biết vui buồn, giận hờn, xấu hổ khi gặp người lạ, mặc dù bé vẫn khó khăn trong việc nói ra suy nghĩ của mình.
Bố cháu Q. bộc bạch: “Khi con được hơn 2 tuổi, gia đình thấy con chưa nói được như các bạn, khi gọi tên thì không thấy con phản ứng, việc giao tiếp bằng mắt của con cũng không rõ ràng. Gia đình lo lắng cho con đi khám. Khi bác sĩ nói con có biểu hiện rối loạn phát triển, một biểu hiện của hội chứng tự kỷ, chúng tôi đã không tin vào tai mình. Giờ đây, nhờ có sự tận tình của các bác sĩ, giáo viên, con sắp được về học mầm non như các bạn, nhưng vẫn phải có sự hỗ trợ định kỳ của các thầy cô chuyên tâm bệnh. Đối với chúng tôi, kết quả như vậy là đáng mừng lắm rồi”.
Được biết, trung bình 1 tháng, bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận từ 450 - 500 bệnh nhi đến thăm khám các rối loạn phát triển về tâm thần. Cả Đơn nguyên TBPHCN hiện có 9 giáo viên can thiệp ngôn ngữ. Ngoài ra, còn có các kỹ thuật viên xoa bóp, kích âm, vận động. Mỗi bệnh nhi điều trị nhanh sẽ mất đến vài tháng, có bệnh nhi bị nặng thời gian điều trị kéo dài đến cả năm, thời gian điều trị cũng được chia thành 3 - 4 đợt, mỗi đợt 3 tuần liên tục.
Theo Bác sĩ Đỗ Văn Thắng Phó khoa Nội nhi 1, phụ trách Đơn nguyên TBPHCN, mỗi điều dưỡng phụ trách cùng lúc 4 - 5 bệnh nhân. Khi vào viện, trẻ được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý kiểm tra kỹ lưỡng qua 3 khâu, đánh giá tình trạng bệnh và trải qua các trị liệu. Những “giáo viên” tại lớp học đặc biệt này, vừa làm điều dưỡng, vừa làm giáo viên dạy trẻ tự kỷ, không chỉ có chuyên môn điều dưỡng, các giáo viên tại đây phải học thêm chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ chuyên ngành trẻ tự kỷ, công tác xã hội, giáo dục đặc biệt...
Điều dưỡng Đoàn Thị Thu Trang cho biết, trong công tác này, quan trọng nhất vẫn phải là yêu trẻ, và yêu nghề, nếu không sẽ rất khó giúp các cháu chữa lành được những thiếu sót và hòa nhập lại với bạn bè. Công việc dạy trẻ tự kỷ luôn phải chịu áp lực rất lớn, bởi mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn...
"Những ngày đầu mới vào nghề đầy căng thẳng, đến giờ tôi hiểu rằng, với các con không thể vội được, chỉ cần mình có đủ tình yêu thương, đủ kiên nhẫn thì chắc chắn bản thân mình sẽ tìm được ra cách để dạy các con, và chính các con cũng sẽ dần hiểu để tiến bộ”, điều dưỡng Trang bộc bạch..
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phó khoa Nội nhi 1, phụ trách Đơn nguyên TBPHCN băn khoăn cho biết: Trên thực tế, hiện còn có những gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ về căn bệnh tự kỷ nên phủ nhận bệnh, không cần tới sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn, dẫn đến để trẻ quá giai đoạn vàng mới bắt đầu can thiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều phụ huynh chưa hợp tác, chưa làm theo hướng dẫn của giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sĩ, cán bộ tâm lý, dẫn đến tình trạng mất nhiều thời gian để tìm lại cho trẻ những thứ đã mất...