Người con ưu tú của đồng bào Raglay
Mấy ngày trước, bác sĩ (BS) Touneh Định cũng thông tin với tôi ngay, sau khi anh trực tiếp trao Giấy chứng nhận khỏi bệnh và tiễn bệnh nhân (BN) 28.479 xuất viện. BN 28.479 là bệnh nhân thứ 3 xuất viện trong số 26 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh Lâm Đồng vào thời điểm đó.
Ở Trạm Y tế xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, ê-kíp trực tiếp điều trị ngoài BS Định còn có điều dưỡng Đoàn Thị Lệ Thu, kỹ thuật viên X quang Lê Hồng Cường, kỹ thuật viên xét nghiệm Lưu Văn Năm, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn Nguyễn Thị Ân và nhân viên kỹ thuật điện máy Nguyễn Nho Minh. Họ chăm sóc và điều trị 4 bệnh nhân F0 (BN 28.479, BN 29.167, BN 58.038 và BN 65.869) và 1 ca F1 diện nghi ngờ. Cả ê-kíp y, bác sĩ đồng lòng, động viên, nhắc nhở và luôn “giám sát” nhau về độ an toàn…
Ma Hy Touneh Định sinh năm 1987, tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa Học viện Quân Y Hà Nội năm 2014. Thời điểm năm cuối đại học anh được kết nạp vào Đảng. Trở về quê hương, BS Định được bố trí công tác tại Trung tâm Y tế (TTYT) Đơn Dương. Để tiếp tục nâng cao trình độ, anh học và tốt nghiệp sau đại học tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bác sĩ Chuyên khoa I hồi sức cấp cứu vào năm 2019. Kết quả đó không chỉ là niềm vui của cá nhân BS Định và gia đình, mà còn là niềm vui chung của đồng nghiệp, của đồng bào dân tộc Raglay nơi anh công tác. Và tháng 9/2020, BS Ma Hy Touneh Định được tín nhiệm bổ nhiệm Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu TTYT Đơn Dương.
Tuổi trẻ xung phong ra “trận tuyến”
Tôi biết BS Định tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Khoảng tháng 3, lúc đó vợ anh, cô giáo mầm non Hàn Kim Luyến, mới sinh con gái thứ 2 được 4 tháng tuổi. Khi được thông báo một trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ từ TP. Hồ Chí Minh về Lạc Xuân có biểu hiện sốt, Ban Giám đốc TTYT huyện đã điều động BS Định và nhóm đồng nghiệp tham gia điều trị tại khu cách ly, thiết lập trong TTYT. Rất may đợt đó, dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt, tỉnh Lâm Đồng không có trường hợp F0 nào.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam, huyện Đơn Dương có 3 trường hợp từ TP. Hồ Chí Minh đến làm việc, được xác định dương tính với Covid-19 vào ngày 7/7. Đội ngũ Y tế huyện nhanh chóng vào cuộc. Dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, BS Định và các đồng nghiệp ngày đêm khẩn trương đi điều tra truy vết. Và, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trạm Y tế xã Ka Đô được kích hoạt. BS Định được lãnh đạo Trung tâm điều động thi hành nhiệm vụ.
"Chuẩn bị xong tư trang cá nhân, gặp con gái ở nhà bà ngoại để kịp hôn con và chia tay", BS Định chia sẻ. Chuẩn bị bước vào cuộc chiến cùng với đồng đội, anh có phần lo vì lần đầu tiên điều trị bệnh nhân Covid-19, bản thân và đồng nghiệp đều chưa có kinh nghiệm. Như khi ê-kíp đến cơ sở điều trị thì đã có mặt BS Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, Phó Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; BS Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Giám đốc TTYT huyện Đơn Dương… Họ đang chỉ đạo kiểm tra mọi cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để sẵn sàng đưa bệnh nhân vào điều trị.
Đồng đội là điểm tựa vững chắc
Điều mà BS Định nhắc nhiều với tôi, đó là trong quá trình ê-kíp đều trị cho bệnh nhân, được các đồng nghiệp là các y, bác sĩ giỏi, các lãnh đạo của TTYT huyện Đơn Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Sở y tế giúp đỡ tận tình.
“Thật yên tâm khi con được đưa vào nhóm Zalo các BS giỏi, có kinh nghiệm đối phó với các bệnh truyền nhiễm của tỉnh. Đó là BSCK II, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở và BS.ThS. Nguyễn Kỳ Sơn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng... Bất cứ lúc nào cần hỗ trợ, là con được hướng dẫn ngay lập tức. Có hôm 0 giờ sáng, BS Thuận còn gọi điện cho con để nhắc nhở những vấn đề quan trọng cần lưu ý”, BS Định chia sẻ.
Liệu đã có những thời điểm gây sự lo lắng ở Định không, tôi hỏi. Có!. Ví dụ trường hợp BN 58.038 vừa dương tính với Covid-19, vừa dương tính với ma túy. Ngày đầu cả ê-kíp thức trắng đêm; ngày thứ 2 bệnh nhân sốt cao, nhịp thở tăng lên, bệnh nhân rất mệt mỏi, mọi người đều rất lo lắng. Cũng may , điều trị theo dõi vài tiếng sau thì ổn hơn. Bệnh nhân còn lo lắng lây nhiễm cho người thân trong gia đình, nên ê-kíp phải động viên trấn an cho họ…
Tôi thật sự trân quý khi được đọc những tin nhắn trao đổi giữa BS Định và BS Thuận, BS Sơn. Đằng sau những con chữ ngắn gọn là sự đầy đặn của trách nhiệm cao nhất, tận tình nhất với bệnh nhân Covid-19… Tin nhắn ấy đưa tôi nhớ lại câu chuyện trước đó, khi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lâm Đồng. Hôm đó, BS Nguyễn Văn Luyện - Phó Giám đốc CDC Lâm Đồng dẫn tôi đến nơi làm việc của kỹ thuật viên xét nghiệm Phạm Thị Hoa, người trực tiếp xét nghiệm realtime RT-PCR để xác định sự hiện diện của virus SARS-CoV-2. Thâm niên 25 năm trong nghề nhưng lúc cao điểm chị Hoa cũng “hai đêm liền không ngủ được vì áp lực công việc”.
Ngưng kể chuyện nửa chừng, chị Hoa đưa điện thoại cho tôi và nói: “Anh xem tin nhắn của lãnh đạo đây, em không đọc nổi vì xúc động…”. Đó là tin nhắn từ BS Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc CDC, lúc hơn 1 giờ sáng: “Ngủ đi đồng đội yêu quý của chúng ta”. Thế nhưng chưa tới 5 giờ sáng, chị lại có tin nhắn tiếp của BS Minh hỏi “còn mấy case chưa làm em ơi”… Tôi càng hiểu, mỗi khi xong việc, những cuộc trao đổi chuyên môn, hỏi thăm sức khỏe giữa các bác sĩ - những người đang theo dõi sức khỏe các trường hợp bệnh nhân F1 tại khu cách ly tập trung của huyện Đơn Dương.
Không được gần vợ con như BS Định, vợ con của BS Hà đang sống tận tỉnh Đắk Lắk. Để nguôi nỗi nhớ con, như bao y bác sĩ Việt Nam ở tuyến đầu chống dịch, BS Định và BS Hà cũng nói chuyện và nhìn con qua màn hình điện thoại. Niềm vui, sự động viên từ người thân là nguồn năng lượng lớn. “Anh em hay chọc ghẹo nhau cho vui để quên nỗi nhớ nhà”, Định nói. Vâng, trong “chiến hào” của tiền phương đánh “giặc Covid-19”, họ truyền cảm hứng cho nhau. Bệnh nhân luôn có chỗ dựa là đội ngũ y tế. Nhưng những lúc căng thẳng, y bác sĩ sẽ tựa vào đồng nghiệp, tựa vào tấm lòng cùng chung sức của toàn xã hội…!
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)