Dưới đây là một số tấm gương Người có uy tín tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc tháng 12/2017 do Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Ông Phùng Đức Vy, thôn Bó Lịn, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn: Hòa giải thành công 4 vụ tranh chấp đất đai:Từ năm 2012, ông Vy được bầu chọn là Người có uy tín. Với vai trò của mình, ông đã tham gia hòa giải thành công 4/4 vụ tranh chấp đất đai mà không phải chuyển lên cấp trên giải quyết. Vì vậy, trong nhiều năm liền, trong thôn không có tranh chấp xảy ra, đảm bảo đoàn kết, bình yên bản làng. Ông cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, nhất là mô hình “Tiếng mõ an ninh”.
Bản thân ông và gia đình luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. Với khoảng 2.000m2 đất ruộng, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi năm ông thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Không chỉ chủ động phát triển kinh tế, ông còn tạo điều kiện cho những hộ nghèo, thiếu đất sản xuất mượn ruộng của gia đình để trồng trọt giúp họ ổn định sản xuất.
Trong xây dựng nông thôn mới, bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành việc giải phóng mặt bằng. Gia đình ông Vy đã hiến 1.000m2 đất và ủng hộ ngày công làm đường, kênh mương thủy lợi...
Ông Lò Văn Phương, bản Pá Bát, xã Nậm Giôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La: Từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậuÔng Phương cùng các già làng, Người có uy tín xã Nậm Giôn thường xuyên kết hợp với cấp ủy, chính quyền, Công an địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, như: tục thách cưới, phạt vạ, tảo hôn, không làm giấy khai sinh cho con, không đăng ký kết hôn, mời thầy cúng chữa bệnh…
Cùng với đó, ông đã vận động đồng bào chăm lo cho con cái học hành, không bị thất học, mù chữ rồi bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt. Vì vậy, trẻ em trong thôn đến tuổi đều đi học.
Với vai trò của mình, ông Phương còn trực tiếp hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong dòng tộc, làng bản trên cơ sở tập tục của dòng tộc, làng bản. Các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, vi phạm quy ước, hương ước thôn bản…
“Nậm Giôn là xã nghèo của huyện nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rất cần đến được với đồng bào DTTS để đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu…”, ông Phương chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Giáp, thôn Cát Lợi, xã Cát Tân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa: Tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Người có uy tín, ông Giáp luôn quy tụ, xây dựng khối đại đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ông đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân phát triển kinh tế. Hiện nay, bộ mặt thôn Cát Lợi có những chuyển biến tích cực, từ chỗ làm ăn tự cấp tự túc, đến nay bà con nhân dân đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng việc đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tốc độ phát triển kinh tế của thôn trong 5 năm gần đây đã tăng lên 15%. Đối với cây lúa, từ chỗ năng suất chỉ đạt 20 tạ/ha đến nay đã đạt 60 tạ/ha, giúp đảm bảo an ninh lương thực.
Trong xây dựng nông thôn mới, hằng năm ông Giáp đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xác định việc gì dễ làm trước, việc gì khó sẽ quyết định thực hiện sau. Từ năm 2013-2015 nhân dân đã hiến đất, giải tỏa mặt bằng, góp tiền và ngày công làm cổng chào, tường rào, rãnh thoát nước với kinh phí hơn 100 triệu đồng; nhân dân tự chỉnh trang nhà ở, sân ngõ, tường rào với kinh phí khoảng hơn 5 tỷ đồng; vận động 100% trẻ em đến độ tuổi được đến trường… Thôn luôn thực hiện tốt các quy định về văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, giữ gìn bản sắc văn hóa. Hằng năm có 75% gia đình trong thôn đạt gia đình văn hóa. Thôn Cát Lợi cũng đạt danh hiệu thôn văn hóa.
HƯƠNG TRÀ