1. Ở Tây Nguyên có ba đỉnh núi cao ngất, đứng sừng sững, choãi chân vững chãi ở ba góc trời: Ngok Linh phía Bắc, Cư Yang Sin phía Tây và Bi Đúp phía Nam. Ba đỉnh núi như những nóc nhà chở che miền cao phía Tây Tổ quốc. Những đỉnh núi ngàn năm mây phủ ấy, vừa xa lạ, thách thức lại vừa gần gũi, thân thuộc. Xa, vì không dễ mấy ai có thể đặt chân tới đỉnh. Gần gũi và thân thuộc vì người Tây Nguyên từ khi đôi mắt biết nhìn ngước lên đã trông thấy những đỉnh núi thiêng vời vợi trước mặt. Giống như người đồng bằng đi xa nhớ da diết cánh đồng, người cao nguyên rời buôn làng là hồn lại ngóng về với núi. Cũng như người miệt biển luôn khát khao chinh phục đại dương, người miền rừng cũng nuôi trong mình ngọn lửa khao khát một lần bước chân tới cổng trời. Con cháu của tù trưởng Đam San huyền thoại từ lúc rời bầu vú mẹ đã ao ước một lần đặt bàn chân trần lên những đỉnh núi hoang sơ, hùng vĩ ấy và cất tiếng hú dài lan tỏa thanh âm ra suốt những triền thung lũng tít tắp xa mờ…
Trong hỗn mang huyền tích, trong triết lý sơ khai, những tộc người trên núi đỏ, rừng xanh không hiểu rõ lắm là vũ trụ được sinh thành từ đâu, nhưng có hai trong những yếu tố cấu thành nên vật chất trong ý niệm của họ là Nước và Lửa. Thần linh là những gì gần gũi. Những vật thiêng luôn hiện hữu trên mỗi bước chân. Đất thiêng, rừng thiêng, núi thiêng, sông thiêng, suối thiêng, cây cổ thụ thiêng, hòn đá lớn cũng thiêng. Yàng có mặt nơi nơi. Nhưng, chỉ có Nước và Lửa là những yếu tố vật chất thiêng liêng mà gần gũi nhất. Bỡi lẽ vậy, các tộc người Tây Nguyên đã tôn vinh hai vị “hoàng đế” của họ-vua Nước và vua Lửa, tức Thủy Xá và Hỏa Xá. Những vị vua không ngai vàng, không lãnh thổ, không bá quan văn võ nhưng là biểu tượng tinh thần, là hình ảnh sống động trong tâm thức thần dân sống giữa rừng già. Nước và Lửa đã hun đúc ý chí, rèn dũa sức mạnh và bồi đắp tâm hồn. Đôi chân trần từ lúc sinh thành đã được ngâm trong dòng nước mát sông Mẹ và sưởi ấm từ ngọn lửa rừng Cha. Nước và Lửa đã trui rèn thân xác cho những người con Tây Nguyên, những con người chỉ có đôi chân trần bám trên mặt đất. Những đôi chân trần cồng kềnh, vạm vỡ. Những đôi chân trần mạnh như hổ, nhanh như báo, dẻo như trăn. Những bước chân sải lên từng thớ đất cao nguyên phóng khoáng và ngang tàng như được nâng bổng bằng đôi cánh của các loài chim núi…
2.Theo tinh thần bất khuất của tù trưởng Đam San từng lên tận cửa nhà trời bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ, những dũng sĩ Tây Nguyên chân trần từng tập hợp sức mạnh thống nhất các bộ tộc. Đáp lời Bok Hồ, noi gương Anh hùng Núp, những người con trai con gái Tây Nguyên đầu đội trời, chân trần đạp đất đã vót chông, gùi đạn, cưỡi voi rùng rùng vượt Trường Sơn ra trận trong sự nghiệp giải phóng quê hương. Những người thợ săn voi Tây Nguyên cũng chỉ đôi chân trần vượt rừng sâu, núi cao chinh phục khắp mọi nẻo đại ngàn. Chân trần lên rẫy, lên nương tỉa bắp, trồng cà phê, gieo hạt lúa. Chân trần lội sông bắt cá, vào rừng lấy mật. Chân trần quấn quyện trong vòng xoang, trong ánh lửa, trong nhịp cồng chiêng đắm say, huyễn hoặc. Vồng ngực căng buông thả tự nhiên, vòng lưng uốn khố, chân trần tràn căng sức sống giữa vũ trụ phồn sinh…
Người Tây Nguyên không sợ hãi núi cao, rừng thẳm. Những dòng sông hùng vĩ, những thác cao hung hãn không làm họ chùn bước. Dã thú sơn lâm cũng trở thành bạn bè. Không có gì, chỉ có đôi chân trần và tâm hồn phóng khoáng, chỉ có sức mạnh ẩn tàng và những tích tụ văn hóa ngàn đời mà họ an nhiên, tự tại, hòa hợp cùng thiên nhiên hoang dã. Núi đã nuôi, rừng đã dưỡng, những người con đại ngàn cứ thế lớn lên. Sức mạnh của họ được hấp thụ từ mạch nguồn thiên nhiên bất tận. Thức ăn của người Tây Nguyên nào có gì cao lương mĩ vị? Miếng ngon xứ rừng chỉ là biăp pờrùng (rau), kơnàp (con mối cánh), gòl (đọt mây), kasràt (cá muối chua) hay blơn prièn (quả cà đắng) nấu với con cá suối. Chỉ miếng sáp mật ong và ngụm nước chiết từ rễ cây mà vượt qua vài đỉnh núi bước chân không mỏi, tiếng hú vang xa tới ba buôn, bốn rừng. Chỉ vậy thôi, mà họ từng sống trên đất này từ cái thuở khỉ đánh đu trêu người, voi đi lững thững bình yên, hổ báo lang thang bìa rừng. Những bắp chân trần của những người đàn ông đóng khố vác xà gạc, những người đàn bà lúi húi mang gùi. Họ cứ đi trên những con đường rừng mòn lối, băng qua những dãy núi điệp trùng. Người Ba Na, người Jrai vấn khố lội qua đầu nguồn sông Ba hùng vĩ. Người Ê-đê, người M’nông ngập thân trong dòng K’Rông Ana, K’Rông Anô nghĩa tình rồi xuôi về thảo nguyên Madrăk. Người Châu Mạ, người Cơ-ho ngược dòng Đạ Dâng và thung thăng giữa cao nguyên Langbiang bát ngát dã quỳ vàng. Người Chu-ru theo những lối mòn xuyên giữa rừng già tìm hướng về phía biển.
Những bước chân trần. Họ mang theo tâm hồn mình những giấc mơ phiêu bồng, những huyền thoại bất tận về một miền cao nguyên bí ẩn, mênh mang...
3.Ngày buôn làng mở hội. Những bắp chân trần quấn quyện vào nhau, quấn quyện vào ánh lửa, dưới bóng thần linh nguyện cầu cho mùa màng tốt tươi. Ngày gái trai trao vòng cầu hôn, hai cặp chân trần quỳ bên nhau hẹn thề trăm năm cầm sắt trước thần Núi, thần Sông. Người mẹ ôm con trẻ sơ sinh nhúng đôi chân măng tơ vào dòng suối ven rừng trong ngày lễ đặt tên Nhu S’đăn cũng mong cho con lớn lên chân cứng đá mềm. Ngày Pơthi đưa hồn người đồng tộc về với cõi Yàng, những đôi chân trần lại quỳ bên nhau khóc tiễn. Người nằm xuống, rũ bỏ tất cả những mùa nhớ, tháng quên, chỉ mang theo đôi chân trần về miền xa thẳm…
Như Y Moan nằm đó. Người nghệ sĩ của đại ngàn mà ngọn lửa đam mê như bốc cháy cả cao nguyên không tắt nhưng thân xác của anh đã yên nghỉ dưới lòng đất bazan. Anh trả lại cho đời tất cả. Gửi lại giọng hát, gửi lại những vinh quang. Anh lặng lẽ nhón bước chân trần về với cõi Yàng, nơi đầu nguồn sông Mẹ K’Rông Ana, nơi giao dòng sông Cha K’Rông Ano. Trước ngôi mộ Y Moan, tôi lặng lẽ nghiêng mình và như thấy đó đôi chân trần của anh thả lỏng lơi trên đất. Đôi chân ấy từng thoăn thoắt bám theo thân khố của cha lên rừng săn thú. Đôi chân ấy từng chìu níu theo tà váy mẹ lên rẫy hái quả. Chân khỏa nước dịu dàng cùng người con gái ngực trần lội xuống bến tắm. Chân nhịp theo tiếng hót chim phí, chim tia chôm. Và tiếng hát, tiếng hát thì vang vọng, thẳm sâu, ma lực, huyễn hoặc. Nhưng bây giờ thì Y Moan nằm đó. Đôi chân trần của anh vĩnh viễn dừng bước. Người đàn ông Ê-đê sống một cuộc đời đam mê đã ngủ yên dưới lớp đất bazan. Tôi lặng lẽ bái vọng hương hồn Y Moan và nhẩm theo tiếng hát mà anh từng da diết cất lên qua giai điệu của người nhạc sĩ đồng tộc Y Phôn K’So: “Ôi, ngày tháng, đôi vai gầy/ run run tựa vào hàng cây/ Ôi thời gian, hãy quên đi/ đôi chân cồng kềnh/ cha đi giữa rừng hoang vu/ lưng cha thì đội nắng gầy/ ôi tóc bạc tựa trăng soi/cả cuộc đời và cả một đời/đôi chân trần”…
Nghẹn ngào. Da diết. Hoang hoải. Phiêu linh… Tiếng hát Y Moan cất lên. Những giai điệu dân ca Ay ray, Kơ ứt, Lả lông, Jalyau cất lên. Tôi như được tắm mình trong không gian đẫm ánh trăng xanh rừng cao nguyên. Như được nô giỡn cùng đàn thú hoang giữa thảo nguyên ngập tràn nắng gió. Như được khỏa lên gương mặt nhuốm bụi đất của mình những tia nước mát lạnh của dòng suối trong giữa hoang vu đại ngàn và ngả mình xuống bãi cỏ dịu êm. Xung quanh tôi là những bắp chân trần, những bước chân trần trong vòng xoang rực cháy. Ở ngoài kia cao nguyên trùng trùng những trận gió hoang dại. Ai đó ngậm đọt lúa làm khèn đinh puốt. Tiếng lục lạc trâu gõ đều trong đêm. Tiếng đàn tre đẩy nước ngoài bến sông kẽo kẹt. Tiếng chim gọi bầy khắc khoải bay về núi xa. Tiếng con nai, con hươu tìm nhau tha thiết.
Bây giờ đang là tháng mưa. Mùa này Tây Nguyên, màu xanh cây lá ngập tràn khắp núi đồi, thung lũng. Tôi bước đi trong mùa da diết buồn vui trong lành và bắt gặp trong những đôi mắt màu nâu như ánh lên giấc mơ về những thuở ngày xưa, thuở những bước chân trần đầu tiên cha ông khai mở đất cao nguyên. Cho hôm nay, những rừng chân trần quấn quyện bên nhau như những cây thành rừng, trùng điệp rừng, thăm thẳm rừng thành đại ngàn hùng vĩ...
BÚT KÝ CỦA: UÔNG THÁI BIỂU