Già làng - Người có uy tín của đồng bào
Mô Rai là một xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Sa Thầy (Kon Tum). Xã có 10 thôn, trong đó 7 thôn là của đồng bào dân tộc Gia Rai và dân tộc Rơ Măm sinh sống.
Ở xã Mô Rai có làng Le là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm với khoảng 178 hộ/544 khẩu. Với vai trò là Người có uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm, trong những năm qua, già A Blong luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm đối với bà con trong buôn làng. Trong công tác xã hội, già đã cùng cán bộ chính quyền, Mặt trận thôn, xã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa mới, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động một số hộ đồng bào Rơ Măm ổn định nơi ăn, chốn ở.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, già A Blong luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tìm các biện pháp, cách làm, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai; mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình mới, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, mạng lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và cộng đồng.
Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” - trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, đến nay, gia đình già A Blong đã có 3,5 sào ruộng nước, 5 sào bời lời và 5 ha cao su, trong đó có 2ha cao su bắt đầu khai thác. Gia đình già còn nuôi thêm 2 con trâu, 10 con heo và 1.000m2 ao nuôi cá. Thu nhập bình quân của gia đình già A Blong mỗi năm đạt trên 50 triệu đồng. Từ việc mạnh dạn phát triển kinh tế, gia đình già ABlong đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua được các tiện nghi sinh hoạt hiện đại.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, để làm gương cho bà con, già A Blong còn vận động bà con từng bước áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, biết tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững. Học theo mô hình làm kinh tế của gia đình già, đến nay nhiều hộ đồng bào Rơ Măm đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Còn tại làng Bung Kon, xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, trăn trở trước những hệ lụy của các hủ tục lạc hậu, già làng A Do, dân tộc Giẻ Triêng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân loại bỏ dần các hủ tục. “Mình vận động người dân khi ốm đau phải đi bệnh viện; không tổ chức cưới xin hay ma chay nhiều ngày để thực hành tiết kiệm, ổn định đời sống”, già A Do nói.
Dưới chân núi Nồi Cơm, những ngôi làng của đồng bào được “mẹ rừng” bao bọc, che chở. Tuy nhiên, do sự hiểu biết của một số người dân còn hạn chế nên có thời gian vẫn xảy ra tình trạng xâm hại rừng. Già A Do đã cùng chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng.
Tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín
Già A Blong và già A Do là 2 trong hơn 800 Người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn Kon Tum luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của chính mình trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần không nhỏ cho sự ổn định và phát triển tại địa phương.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, thời gian qua, Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách đối với Người có uy tín theo đúng với quy định của Nhà nước. Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở ngành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức các đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và vùng duyên hải Miền Trung...
Thông qua đó đã kịp thời khích lệ, động viên già làng, trưởng bản, Người có uy tín nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, Nhân dân tin tưởng.
Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, Người có uy tín là “cánh tay nối dài” của chính quyền và ngành chức năng trong công tác giữ gìn trật tự thôn xóm, phát giác tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bài trừ tệ nạn xã hội, đẩy mạnh sản xuất xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở…
Đặc biệt, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang nhận được sự quan tâm, đầu tư đặc biệt của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Để triển khai các chương trình, chính sách dân tộc hiệu quả, đi vào cuộc sống, không thể thiếu vai trò đóng góp quan trọng của đội ngũ Người có uy tín tại cơ sở.