Nhân niềm vui
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi về xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, đi trên những con đường bê tông thẳng tắp chạy dọc các buôn làng. Đến đây, chúng tôi thực sự cảm nhận được sức sống mới, hơi thở mới của vùng nông thôn miền núi này. Thời gian gần đây, niềm vui của người dân như được nhân lên bội phần, khi các con đường bê tông đi qua những nương rẫy mía và khoai mỳ vừa được Nhà nước đầu tư.
Ông Oi Tình, ở xã Phú Mỡ phấn khởi cho hay: Nhà tôi có rẫy mía nằm sau tận chân núi. Trước xe tải chẳng chịu tới tận đây, vì họ ngại lún bánh. Muốn bán được mía, phải thuê cộ bò kéo từng xe ra đường chính, rồi xe lớn mới tới chở một lần. Tính ra vất vả mà chi phí lại cao. Giờ thì khỏe rồi, có đường xe tới tận rẫy, nhổ sắn tới đâu chất ngay lên xe, xe đầy là đưa thẳng tới nhà máy, tiện lắm, chi phí cũng đỡ tốn hẳn.
Về huyện Sơn Hòa, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui của người dân khi có đường bê tông vào khu sản xuất. Ông Nguyễn Văn Côi ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: Ngày xưa không có đường nên vô rẫy khó khăn và vắng vẻ, hiu quạnh lắm. Hơn 20ha rẫy trồng nhiều loại cây như chuối, cam, mía... mà ông không dám ở lại một mình, phải thuê 2 người ngủ lại giữ rẫy. “Từ khi có đường, tôi chỉ thuê một người, khi nào có việc đột xuất thì tôi chạy xe máy vào rất thuận tiện”.
Còn tại huyện miền núi Sông Hinh, nhờ những con đường được nối dài đến tận khu sản xuất, không chỉ giúp người dân có rẫy sản xuất thuận lợi mà những người đi làm thuê cũng được hưởng lợi.
Anh La Lan Bình ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), người chuyên đi chặt mía thuê kể: “Trước vô rẫy chặt mía cực lắm, đường xa khó đi, lần nào quần áo cũng đầy bùn đất, nhiều lúc không cẩn thận còn bị ngã trầy da, rồi xe hư hỏng… Hiện nay, đường sá ngon lành nên đi lại thuận tiện hơn, thu nhập cũng nhiều hơn”.
Tiếp tục được đầu tư
Tiếp nối thành công từ những tuyến đường bê tông đã được xây dựng, các địa phương tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông. Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, các địa phương đã bê tông hóa được 65,86km đường nông thôn với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Từ đây, nhiều xã miền núi đã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, giúp tăng số xã hoàn thành tiêu chí này lên 71/88 xã toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: Năm qua, xã hoàn thành 1,1km đường đến vùng sản xuất rộng hơn 180ha, góp phần nâng tổng số đường nội đồng được hoàn thành lên 3,8km. “Hiện toàn xã còn 17 tuyến với tổng chiều dài 8,8km chưa được hoàn thành. Chính quyền xã tích cực đề xuất xin xi măng, vốn hỗ trợ từ cấp trên cũng như vận động bà con tham gia đóng góp để các tuyến đường này sớm được đưa vào sử dụng”, ông Hải cho biết thêm.
Còn ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, chia sẻ: Hiện xã đã làm xong 25,1km đường vào 40ha đất sản xuất của bà con. Xã còn 10km đường đi qua khu sản xuất 50ha. Để hoàn thành con đường này kinh phí ước tính khoảng 5 tỷ đồng. UBND xã đã làm hồ sơ gửi lên huyện và tỉnh, khi được chấp thuận, xã họp các hộ dân để đồng thuận triển khai.
PHƯƠNG LÊ