Khi giáo án là một…mặt hàng
Việc trao đổi và mua bán giáo án qua mạng không phải đến bây giờ mới phổ biến, mà đã có từ vài năm nay. Đặc biệt là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đưa vào triển khai, nhiều quy định mới về việc xây dựng và tổ chức giáo dục trong nhà trường khiến không ít thầy cô lúng túng, phải tìm đến và tham khảo những bộ giáo án mẫu.
Có cầu ắt có cung, những “quầy hàng” giáo án với đủ các môn học đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, và không khó để tiếp cận.
Chỉ cần gõ từ khóa “mua giáo án” trên mạng xã hội, lập tức có thể nhận về hàng chục kết quả đề xuất tiếp cận với các hội nhóm liên quan, với số lượng thành viên tham gia lên đến hàng chục nghìn người. Phần lớn, các hội nhóm đều được thiết lập ở chế độ công khai, xét duyệt thành viên dễ dàng.
Khi đã trở thành thành viên của các group này, thì chỉ cần đăng tải bài viết hoặc để lại bình luận có nhu cầu, từ chia sẻ, đến trao đổi, hay cần hỗ trợ soạn giáo án của mọi khối lớp, mọi môn học khác nhau, người dùng sẽ được giới thiệu và tư vấn nhiệt tình.
Theo khảo sát, với mức giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, người dùng có thể có được một bộ giáo án đầy đủ được mô tả là “xịn, chuẩn”, “độc quyền”, “dễ dạy, dễ học” với đầy đủ các hình thức, từ giáo án Word, giáo án trình chiếu PowerPoint, phiếu thu hoạch bài cuối tuần đến chương trình tổng phụ trách.
Đi kèm đó là những ưu đãi khác nhau, như giảm giá khi mua trọn bộ hoặc đăng ký sớm, tặng tài liệu, đề thi tham khảo, thậm chí hỗ trợ giáo viên giảng dạy trong năm học nếu “chốt đơn” thành công.
Việc mua - bán, trao đổi những bộ tài liệu, giáo án giảng dạy được diễn ra một cách dễ dàng, công khai, thuận lợi, như một loại “hàng hóa”, đặt ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhìn về mặt tích cực, những tài liệu này sẽ trở thành một nguồn tham khảo hữu ích cho các thầy cô trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng như thế nào, để hướng tới mục tiêu cuối cùng, là hiệu quả trong công tác giảng dạy, mới là điều cần bàn luận.
Hiệu quả là điều quan trọng...
Điều cốt yếu được đặt lên hàng đầu vẫn là sự nghiên cứu, tìm hiểu, chủ động điều chỉnh, chắt lọc và triển khai sao cho khớp và phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường, và bám sát linh hoạt với từng học sinh theo sự phân hóa đối tượng, đặc biệt với khu vực giáo dục mà phần lớn các em học sinh đều là người DTTS, hay nhiều yếu tố đặc trưng khác”.
Cô giáo Chu Thị Tú LiênPhó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
Là một người đã làm việc trong ngành Giáo dục gần 30 năm, trong đó có 18 năm kinh nghiệm quản lý, cô giáo Chu Thị Tú Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho hay, cô không còn lạ với khái niệm “chợ giáo án”. Tuy nhiên, gần đây, khi bước vào chương trình Giáo dục phổ thông mới, “chợ giáo án” mới trở lên rầm rộ.
Lý giải điều này, cô Liên cho hay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512, đã đưa ra các yêu cầu và mẫu các kế hoạch, trong đó có kế hoạch bài dạy rất mới so với trước đây. Việc này khiến phần lớn giáo viên lúng túng và có những lo lắng nhất định về soạn thảo giáo án, làm sao cho phù hợp, đúng yêu cầu khi bước vào triển khai. Đây là lí do khiến thị trường giáo án online sôi nổi hơn trong thời gian gần đây.
Cũng theo cô Liên, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, việc trao đổi, tham khảo giáo án có sẵn vẫn có thể được các thầy cô sử dụng linh hoạt giống như một tài liệu giảng dạy. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, chính là cách sử dụng tài liệu đó của mỗi thầy cô, để có thể đạt được hiệu quả giáo dục.
Cũng nhờ quá trình tìm hiểu, điều chỉnh đó, giáo viên mới có thể hiểu kỹ giáo án và chủ động áp dụng giảng dạy được. Để từ đó, mỗi trang giáo án sẽ thực sự trở thành những sản phẩm trí tuệ, thể hiện sự tâm huyết, mang dấu ấn cá nhân của mỗi "người lái đò".
Đặc biệt, trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, việc thay đổi về cả nội dung và phương pháp giảng dạy lại càng khuyến khích. Trong đó, có sự sáng tạo từ việc soạn giáo án, áp dụng các phương pháp dạy học đổi mới, và không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn ,hướng đến kết quả cao nhất trong giáo dục. Điều này sẽ thể hiện qua sự hào hứng tại mỗi tiết học, sự tiến bộ của các em học sinh trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cô Liên cũng cho hay, vẫn còn tình trạng “bê nguyên xi” những tài liệu này thành giáo án của mình, với mục đích cốt để làm đẹp hồ sơ, hay đối phó với hoạt động kiểm tra, thanh tra, mà chưa thực sự đầu tư “chất xám”, tâm huyết cho những giờ giảng, thì đó là sự gian dối, chưa làm tốt trách nhiệm của nhà giáo.
"Những trường hợp sao chép nguyên bản, không phù hợp với chương trình giáo dục đặc thù mỗi địa phương và từng đối tượng học sinh của mình, thì đương nhiên đã vi phạm quy chế chuyên môn và phải bị áp dụng những hình thức kỷ luật theo quy định", cô Liên nhìn nhận.
Ngoài ra, chất lượng của những tài liệu, giáo án được giới thiệu bán trên mạng hiện nay cũng không được kiểm chứng, vì thế, các thầy cô cũng cần chú ý lựa chọn địa chỉ uy tín, tránh việc bị các đối tượng xấu lợi dụng, để “tiền mất tật mang”, nhận về những trang tài liệu sơ sài, kém chất lượng và không đảm bảo.