Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 30/8 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 448.140 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 217.172.942 ca, trong đó 4.514.161 ca tử vong và 194.061.229 ca đã được chữa khỏi.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 36.561 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 39.664.814 ca, trong đó 654.689 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận ở Ấn Độ trong 24 giờ qua là 43.381 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này 32.737.569 ca, trong đó 438.387 ca đã tử vong.
Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 20.741.815 ca và số ca tử vong là 579.308 ca. Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Nga với 6.882.827 ca, trong đó 181.637 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 19.286 ca.
Với 6.742.488 ca nhiễm, Pháp theo sát Nga là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 114.210 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 13.630 ca nhiễm mới.
Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (69.636.738 ca), vượt xa châu Âu (55.097.331 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 47.605.954 ca và Nam Mỹ với 36.860.950 ca. Châu Phi ( 7.811.883 ca) và châu Đại Dương (159.365 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Á. Iran ghi nhận thêm 31.516 ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua, đây là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, một số nước cũng ghi nhận số ca mắc mới cao trong 24 giờ qua là Nhật Bản (22.748 ca), Malaysia (20.579), Philipines (18.528 ca), Thái Lan (16.536 ca), Việt Nam (12.796), Indonesia (7.427 ca),....
Số ca nhiễm mới COVID-19 không ngừng tăng ở Nhật Bản trong những ngày qua. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này là 1.434.370 ca. Bộ Y tế Nhật Bản đang cân nhắc khả năng tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm giảm bớt quan ngại về nguồn cung và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại quốc gia này. Tính đến ngày 26/8, có 43,5% dân số Nhật Bản đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường, có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 10 đối với các nhân viên y tế, và từ tháng 1 hoặc tháng 2/2022 đối với những người từ 65 tuổi trở lên.
Bộ Y tế Philippines thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên mức 1.954.023 ca sau khi ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, mức cao thứ nhì theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Biến thể Delta cùng với việc người dân di chuyển nhiều và không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch là những yếu tố khiến số ca mắc tại Philippines tăng mạnh với số ca lây nhiễm mới trung bình vượt mốc 12.500 ca/ngày kể từ đầu tháng 8. Hiện có hơn 70 khu vực, gồm Vùng đô thị Manila, đang ở mức cảnh báo cấp độ 4 về dịch bệnh.
Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc mới và 264 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên mức 1.174.091 ca, trong đó có 11.143 ca tử vong. Riêng thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7. Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Cho tới nay. khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều.
Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, Singapore đã trở thành nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới với 80% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ. Giới chức Singapore thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt cột mốc tiêm ngừa COVID-19 cho 80% dân số. Hiện giới chức y tế nước này đang cân nhắc khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung trong thời gian tới và có thể sẽ tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vào đầu năm 2022./.