Việc thu gom, vận chuyển rác thải tại các xã đảo vào đất liền gặp không ít khó khăn do chi phí tăng cao, phụ thuộc vào thời tiết, nhất là mùa mưa bão. Trong khi khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các xã đảo thấp, trừ mùa du lịch, nên việc đầu tư các lò đốt công suất lớn đem lại hiệu quả kinh tế thấp, khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Một khó khăn không nhỏ nữa là hầu hết khu vực miền núi của Quảng Ninh trên đất liền có địa hình chia cắt, mật độ dân cư thưa thớt, nên cung đường vận chuyển rác khá dài, việc thu gom rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả không cao. Nhiều xã chưa xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác, nên phụ thuộc vào các xe chuyên dụng để vận chuyển rác. Việc bố trí, sắp xếp thời gian để thu gom vận chuyển rác ở các điểm tập kết rác trên các xe đẩy tay ở các xã, thôn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Trìu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh Quảng Ninh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương cũng tăng cường xây dựng kế hoạch, thực hiện phương án phân loại rác tại nguồn theo mô hình tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải (3R) phù hợp với từng địa phương.
Tuy nhiên, để công tác xử lý rác thải hiệu quả cần xuất phát từ chính ý thức của người dân.