Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Phước, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, mặc dù đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, thế nhưng hiện nay, Trạm vẫn phải xử lý các loại rác thải y tế theo hình thức thủ công như: đốt trong hố xi măng trong khuôn viên Trạm. Đối với các loại rác khó đốt như kim tiêm, bơm chuyền dịch thì phải đào hố chôn lấp. Vẫn biết việc xử lý theo cách này gây nhiều hệ lụy cho môi trường và cuộc sống của người dân, thế nhưng Trạm Y tế không còn cách nào khác nên đành phải chấp nhận.
Điều đáng quan tâm, hầu hết các trạm y tế tỉnh Quảng Trị đang thực hiện cách xử lý rác thải y tế bằng cách chôn và đốt. Nguyên nhân là do các cơ sở y tế thiếu kinh phí xây dựng hệ thống xử lý rác đạt chuẩn theo qui định, hoặc hệ thống xử lý rác xuống cấp không có kinh phí để sửa chữa, hoặc đầu tư xây dựng mới.
Đơn cử như tại Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, bác sĩ Võ Thanh Tâm, Giám đốc cho biết: do hệ thống xử lý nước thải, xử lý CTRYT nguy hại của Trung tâm được xây dựng và đi vào hoạt động 10 năm nay đã xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, khi xử lý đốt rác rất nhiều khói bay ra gây ô nhiễm đến khu vực dân cư. Trung tâm cũng đã kêu gọi chính quyền và Sở Y tế hỗ trợ kinh phí để khắc phục thực trạng này.
Theo bác sĩ Tâm, năm 2018 Trung tâm được đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý rác thải bao gồm, hệ thống xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý chất thải lỏng. Hiện nay, công trình đang trong giai đoạn thi công chưa biết khi nào mới đưa vào hoạt động. Mong muốn của Trung tâm là, công trình sớm được hoàn thành để trở thành đầu mối xử lý rác thải y tế cho tuyến trạm y tế các xã nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường..
Cùng nỗi lo về thực trạng này, bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: hằng ngày lượng rác thải của Bệnh viện khoảng 1.500kg CTRYT, trong đó có đến 100kg CTRYT nguy hại. Hiện Bệnh viện cũng dùng lò đốt xử lý rác thải, nhưng hệ thống lò này cũng xây dựng từ năm 2003 nên đã xuống cấp, thiết bị hư hỏng và lạc hậu. Mặc dù Bệnh viện rất cố gắng xử lý CTRYT nguy hại, nhưng kết quả vẫn không được đảm bảo, các chỉ tiêu về môi trường như chỉ tiêu về khí CO vượt giới hạn cho phép.
Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện cũng không đảm bảo do lượng bệnh nhân hằng ngày quá tải. Tính trung bình, lượng nước thải phát sinh trong ngày của Bệnh viện là 320m3 (115.200m3/năm). Vì vậy, dù có nỗ lực khắc phục nhưng các chỉ tiêu BOD5, COD, NH4-N và Coliform trong nước thải ra môi trường vượt ngưỡng cho phép…
Bác sĩ Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế cho biết: thời gian qua ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, đó là, cùng với thực hiện công tác chuyên môn, phải luôn quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải y tế, đảm bảo môi trường sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thành, do công nghệ xử lý chất thải y tế ở các cơ sở đã lạc hậu hoặc đầu tư đã lâu nên xuống cấp. Vì vậy, cần phải tiếp tục đầu tư và nâng cấp một cách đồng bộ, hiện đại hệ thống xử lý.
“Để giải quyết được vấn đề rác thái y tế cần nguồn kinh phí đầu tư khá lớn, điều này chỉ ngành Y tế thì không thực hiện được, mà rất cần sự quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí của tỉnh Quảng Trị.
MINH THỨ