Ia Rsai là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng sạt lở sông Ba, trong đó, buôn Kting có đến 53/100 hộ buộc phải di dời. Đây cũng là xã duy nhất trong số 5 xã dọc sông Ba tại huyện Krông Pa đã bố trí được khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Toàn xã có 170 hộ thuộc 4 buôn: Kting, Chik, Pan và Puh buộc phải di dời đến nơi an toàn. Chư Rcăm là địa phương đứng thứ 2 về thiệt hại bởi nạn sạt lở đất với 110 hộ dân cần được di dời; trong đó, riêng buôn Hlang là khoảng trên 80 hộ. Hiện nay, tại Chư Rcăm vẫn còn những hộ có nhà ở cách dòng sông Ba chỉ vỏn vẹn 10m.
Được biết, năm 2012, huyện Krông Pa đã kiến nghị đầu tư trên 17 tỷ đồng để bố trí tái định cư tại xã Ia Rsai. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở, năm 2013, huyện cũng đã xây dựng phương án xây bờ kè dọc sông Ba kéo dài từ cầu Lệ Bắc tới xã Chư Gu với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Đến năm 2015, huyện tiếp tục lập dự án di dời và thành lập khu tái định cư tại xã Chư Rcăm với tổng kinh phí gần 32,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tất cả các phương án trên thì chỉ có dự án tái định cư tại xã Ia Rsai được cấp trên 8 tỷ đồng, 2 dự án còn lại chưa được phê duyệt.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tô Văn Chánh, do nguồn kinh phí được phân bổ quá thấp nên hiện khu tái định tại xã Ia Rsai chỉ mới dừng ở mức san gạt nền, phân lô, hỗ trợ di dời nhà cho các hộ dân. Thực tế này gây rất nhiều khó khăn cho người dân vùng tái định cư khi về nơi ở mới. Vừa qua, để giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt, huyện đã phải hỗ trợ trên 187 triệu đồng để đào 4 giếng nước cho người dân làng tái định cư ở xã Ia Rsai.
Một khó khăn nữa hiện nay là người dân vùng tái định cư vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực tái định cư nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. “Mong các cấp quan tâm, đầu tư thêm hạ tầng để bà con sinh hoạt, làm ăn thuận tiện hơn”-ông Ksor Tơ Lía-Trưởng thôn Kting-đề đạt nguyện vọng.
LÊ HÒA