Ngày 5/8, tại Hà Nội, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Công ty CP tư vấn và đầu tư Luxe Homes tổ chức hội thảo "Xu hướng thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng cuối năm 2022".
Ba xung lực tác động đến thị trường BĐS
Năm 2021 dù bị tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng thị trường BĐS vẫn nóng từ Bắc đến Nam. Bước sang năm 2022, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục "nóng" nhờ tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS chứng kiến trạng thái kẹt thanh khoản cục bộ. Theo đó 3 xung lực chính về tài chính tiền tệ vào BĐS được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thứ nhất, về tín dụng, theo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm ngày 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%. Dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS hơn 786.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,7%.
Thứ hai, về trái phiếu doanh nghiệp, sau một vài sự cố thị trường, trái phiếu doanh nghiệp BĐS bị thắt chặt. Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180.000 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong quý II tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% so với quý I, tương ứng với giá trị gần 8.600 tỷ đồng, giảm sâu tới 79% so với quý trước.
Thứ ba là về thuế BĐS, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính chung trong cả nước, năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS đạt 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 30%) so với năm 2020.
Sang năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS những tháng đầu năm đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so cùng kỳ năm 2021. Theo một số thống kê, giá BĐS ở một số phân khúc và khu vực nhất định hiện đang cao gấp 20 - 25 lần thu nhập của người dân và con số này có thể vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Từ những yếu tố này và một số tác động khác, chúng ta thấy lượng quan tâm và giao dịch mua bán BĐS có dấu hiệu bị chững lại, chỉ xuất hiện "sóng" nhẹ tại một số khu vực đường vành đai hoặc khu vực có quy hoạch dự án.
Dưới góc độ doanh nghiệp, các chủ đầu tư có khả năng sẽ phải đối mặt không ít khó khăn liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn, huy động nguồn lực để phát triển dự án. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, bỏ lỡ những cơ hội thị trường nhất định hoặc buộc họ phải tiếp cận những kênh huy động khác trên thị trường vốn với chi phí cao hơn, rủi ro "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp.
Trước những khó khăn thách thức này, doanh nghiệp sẽ cần có những động thái ứng biến linh hoạt để thích ứng với điều kiện thị trường thời điểm hiện tại.
Hội thảo "Xu hướng thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2022" mang đến những ý kiến khách quan, kịp thời về xu hướng phát triển của thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có định hướng, tầm nhìn để có được chiến lược, kế hoạch đầu tư đúng đắn, góp phần phát triển thị trường quan trọng này an toàn, lành mạnh và bền vững.
Những cái nhìn lạc quan về thị trường BĐS
Ts. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, cách đây một năm rưỡi đã có cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hệ thống chính sách của Chính phủ để có thể chuẩn bị cho tình huống đối phó với thị trường BĐS, chứng khoán cùng với thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Gần đây, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về chính sách tài chính hỗ trợ thị trường BĐS.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng tốt khiến cho lo ngại về thị trường BĐS, chứng khoán giảm đi.
Nói về thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, ông Nghĩa cho rằng thị trường đang ở mức "chân không tới đất, đầu không tới trời". Phần lớn giao dịch BĐS trong 2 năm vừa qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở.
"Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường BĐS hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp", Ts. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.
Nhận định về thị trường BĐS thời gian tới, ông Nghĩa chia sẻ nhận định của một nhóm chuyên gia về thị trường BĐS: Giá sẽ giảm đi 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.
"Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Nền tảng này giúp cho nhận định giá BĐS có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại như trên là đúng", ông Nghĩa phân tích.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam khẳng định, chính sách tài khóa là một trong những chính sách nổi bật và quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô.
Đó là các biện pháp mà Chính phủ sử dụng để tác động lên hệ thống chính sách thuế và chi tiêu, thông qua đó đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô. Tất nhiên chính sách tài khóa thuộc mảng huy động nguồn lực tài chính sẽ tác động trực tiếp đến thị trường BĐS.
Theo bà Cúc, chính sách tài khóa thông qua điều tiết thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và các khoản thu điều tiết khác đối với đất đai, BĐS, đã được đề cập đến nhiều lần, nhiều năm qua và tại thời điểm này lại đang nóng lên khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp về thuế trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển thị trường BĐS nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, chính sách tài khóa về mảng thu thuế đối với BĐS - chính là sự điều tiết, giám sát của nhà nước trong lĩnh vực này. Chính sách tài khóa về điều tiết mà phù hợp sẽ có tác động thúc đẩy, kích thích thị trường, kích thích nền kinh tế tăng trưởng, phát triển. Ngược lại sẽ tạo yếu tố kìm hãm nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Đại diện Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra chính sách tài khóa tích cực nhất, phù hợp nhất để tác động tốt lên nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS trên lĩnh vực thuế.
Đồng thời đề xuất cần nghiên cứu ban hành chính sách điều tiết hợp lý; xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, đất đai, số thuế phải nộp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, lượng cung và giao dịch BĐS nhà ở tại các dự án 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 22.700 sản phẩm, giao dịch đạt xấp xỉ 11.500 sản phẩm.
Trong khi đó giá BĐS liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào BĐS đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị BĐS đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt.
"Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn", Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Từ thực tế thị trường, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam kiến nghị cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra "mềm" hơn.
Dưới góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực BĐS, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Soho Việt Nam nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đấu giá đất đã được các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua, sắp tới sẽ có những vấn đề tái cơ cấu, sửa luật đất đai, bỏ khung giá đất áp theo giá sát giá thị trường…
"Việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường, các đơn vị kinh doanh BĐS, các chủ đầu tư yếu sẽ phải rời cuộc chơi, còn đối với các đơn vị có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án thì đây sẽ là cơ hội để phát triển", Chủ tịch Công ty Soho Việt Nam nhận định.
Đề cập đến tiềm năng của BĐS 6 tháng cuối năm và tương lai, ông Cần chỉ rõ nên có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải 3 - 5 năm mà phải là 10 - 15 - 20 năm bởi với tốc độ gia tăng dân số, sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh thì thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển so với các quốc gia khác.