Đội cồng chiêng, xoang làng Kon K’Lốc, xã Đăk Mar tham gia trình diễn phục vụ các hoạt động trong Lễ Giỗ Tổ Hùng VươngDưới cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, ngay từ sáng sớm, cán bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà đã tề tựu về tại khuôn viên Chùa Tháp Kỳ Quang để tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Nét đặc trưng riêng ở nơi đây là luôn có đội cồng chiêng, múa xoang đón khách và phục vụ các nghi thức trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Chị Y Pên (dân tộc Xơ Đăng), làng Kon K’Lốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà chia sẻ: Tôi rất vui vì hôm nay được tham gia cùng Đội nghệ nhân của làng trình diễn tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là dịp để tôi và bà con tưởng nhớ công ơn to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước; đồng thời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam luôn nhớ về nguồn cội, dòng dõi "con Lạc cháu Hồng".
Tập thể lãnh đạo huyện Đăk Hà thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua HùngHuyện Đăk Hà được biết đến là vùng đất đa sắc màu văn hóa với 28 dân tộc anh em từ nhiều địa phương khác nhau cùng sinh sống, an cư lạc nghiệp. Dù mỗi người một quê hương, một bản sắc riêng, song tất cả đều ý thức về cội nguồn thiêng liêng của dân tộc với tâm thế phấn khởi xen lẫn tự hào. Từ đó, ai ai cũng đều nhắc nhở bản thân không ngừng nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng với công lao dựng nước của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.
Em Vi Hà Bảo Trân (dân tộc Thái), thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk phấn khởi cho biết: Qua các bài giảng trên lớp, em đã biết đến tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và công lao dựng nước của các vị Vua Hùng. Em rất vui khi được tham gia ngày Giỗ tổ, để được học hỏi thêm nét đẹp văn hóa, tinh thần của các dân tộc anh em. Em cũng sẽ cố gắng học tập thật tốt, trở thành con ngoan trò giỏi để thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua HùngLễ Giỗ Tổ Hùng Vương được huyện Đăk Hà tổ chức bao gồm phần lễ và phần hội. Trong không khí trang nghiêm của phần lễ, sau nghi thức rước linh vị Vua Hùng, các dân tộc anh em đã dâng hương cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu. Đồng thời, tiến dâng lên Vua Hùng những sản vật đặc trưng do chính bàn tay mình làm ra như: Cơm lam, nếp cẩm, măng le, nếp than… vừa để thể hiện lòng tôn kính với bậc tiền nhân, vừa để báo công với các Vua Hùng.
Ông Hà Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Hằng năm, huyện đều tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Chùa Tháp Kỳ Quang để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ôn lại truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng. Khắc sâu và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, Nhân dân huyện Đăk Hà tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em. Thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, xây dựng huyện Đăk Hà ngày càng phát triển.
Lãnh đạo huyện Đăk Hà trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyệnSau phần lễ, huyện Đăk Hà tổ chức phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi và thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, như: Giao lưu văn nghệ và các trò chơi bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy, leo cột trơn, đi cà kheo; thi gói bánh chưng xanh… thu hút được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân tham gia.
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để mỗi người con đất Việt trong cộng đồng 54 dân tộc anh em thành kính hướng về cội nguồn dân tộc. Dù có điều kiện hành hương về Đất tổ Đền Hùng, hay “vọng tổ” theo cách riêng của các dân tộc anh em tại huyện Đăk Hà thì tất cả đều hướng đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Góp phần lưu truyền mãi mãi những truyền thống tốt đẹp, đáng quý của dòng dõi Lạc Hồng.