Chưa có phương án cuối cùng
Năm 2014, nhà máy nước sạch xã Hưng Thông được khởi công xây dựng, do UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 1000 m3 nước sạch/ngày; mục tiêu là cung cấp nước sạch cho 1.200 hộ dân trong toàn xã; các hạng mục đầu tư bao gồm công trình đầu mối, khu xử lý, mạng lưới đường ống cấp nước và hệ thống điện.
Bà con xã Hưng Thông hồ hởi đón chờ dự án, vì từ lâu nguồn nước giếng ngầm ở đây bị ô nhiễm nặng. Thế nhưng, từ ngày công trình được “rình rang” khánh thành vào năm 2018 đến nay, bà con vẫn chưa có được một giọt nước sạch nào.
Ông Thái Huy Dũng,Trưởng Ban Quản lí dự án Đầu tư - xây dựng huyện Hưng Nguyên cho biết: Do thiếu nguồn nước thô đầu vào, khiến nhà máy chưa thể hoạt động. Theo đó, khi thiết kế thì nguồn nước của nhà máy được lấy từ kênh Hoà Cần, thế nhưng khi công trình xây xong, thì con kênh này luôn trong tình trạng cạn nước. Trong khi đó, nguồn nước kênh này còn phải phục vụ cả sản xuất nông nghiệp. Cũng theo ông Dũng, để tìm nguồn nước thô khác cung cấp cho nhà máy gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân “cơ bản” nhất là chi phí lắp đặt đường ống rất cao.
“Chúng tôi đã kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư, quản lí, vận hành nhà máy nhưng họ đến rồi lại đi vì theo họ là không khả quan. Bên cạnh đó, nếu có doanh nghiệp đồng ý tiếp quản thì lại phát sinh về phương án xử lí tài sản công, vì dự án này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Do vậy mà đến nay, vẫn chưa có phương án cuối cùng để nhà máy đi vào hoạt động”, ông Dũng cho hay.
Và chưa biết đến bao giờ
Bà Dương Thị Lâm ở xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông, nói với chúng tôi bằng giọng rất bực bội: Hàng chục tỷ đồng được đổ vào đây mà dân vẫn không có nước sạch, hàng ngày vẫn phải dùng nước ô nhiễm.
Do đường ống đã lắp từ nhiều năm nay không sử dụng, khiến nhiều đoạn có thể đã bị hư hỏng do người dân làm đường, xây dựng công trình. Cuối cùng, chính ông chủ tịch xã cũng bực bội: “Chưa biết cấp trên sẽ xử lí như thế nào đây, còn bà con chúng tôi thì bức xúc lắm rồi, có nhà máy nước mà không có nước để dùng”.
Ông Nguyễn Hữu PhúcChủ tịch UBND xã Hưng Thông, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
Bà chỉ về cái giếng làng nằm cạnh ruộng lúa mà rằng, cái giếng đó đang hàng ngày phục vụ gần 40 hộ dân xóm chúng tôi đấy. Cái giếng đó chẳng khác gì cái hố hứng nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Nhưng không dùng nước ở đó thì chúng tôi biết lấy nước đâu mà phục vụ sinh hoạt.
Cũng theo bà Lâm, người dân ở đây đã phải chống “khát” bằng cách đào nhiều giếng khơi như vậy, một số giếng cũng được ghép đá vôi để lọc nước nhưng làm sao mà an toàn được.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông, cho biết, sau khi nhà máy hoàn thành mà không hoạt động, xã đã có văn bản kiến nghị lên huyện, đề nghị sớm có phương án để nhà máy sớm được vận hành nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong lúc đó Hưng Thông là xã đồng bằng, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng đào, giếng khoan mà hai loại giếng này, thì bị ô nhiễm kim loại nặng, cụ thể là sắt nên bà con mới sáng kiến làm giếng khơi.
Thế nhưng giếng khơi cũng bị ô nhiễm, nào là từ nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi; nào là từ nguồn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón từ đồng ruộng…Vào mùa nắng nóng, bà con ở đây không còn cách nào khác là phải đi mua nước để sử dụng...