Xây dựng thương hiệu cà phê sạch
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hân trong căn nhà nhỏ ở giữa làng Le 2 (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, Gia Lai). Trong căn nhà, anh tỉ mẩn trưng bày những gói cà phê đã thành phẩm ngăn nắp trong chiếc tủ kính nhỏ, phía bên trong là một loạt máy móc phục vụ cho việc rang say cà phê.
Mời chúng tôi vào nhà, anh Hân bắt đầu câu chuyện về hành trình đưa cà phê sạch về với làng nghèo, anh Hân cho biết: Cũng bởi vì khó khăn quá, tự bản thân mình phải tìm cách vươn lên. Ngày trước mình làm nghề lái xe nên được đi đến nhiều địa phương, cũng từ đó, mình thấy được nhiều cái hay, cái đặc sắc của mỗi vùng miền. Đặc biệt, trong một chuyến thăm huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) mình thấy người dân đã trồng cà phê sạch và sản xuất cà phê chất lượng cao. Lúc này mình đặt ra câu hỏi “Tại sao mình không thử phát triển cà phê sạch từ chính vùng đất đã nuôi lớn mình”?.
Nung nấu suy nghĩ nhiều ngày dài, anh Hân quyết định về làng bắt tay vào công cuộc cải tạo lại vườn cây cà phê lâu năm của gia đình. Chiếc xe- người bạn đồng hành trên mỗi chặng đường cũng phải bán đi để lấy vốn làm ăn. Bắt đầu từ năm 2016, anh đã bắt tay vào công việc cải tạo 6 ha đất trồng cà phê theo tiêu chuẩn VIETGAP. Sau đó anh tiếp tục đi học rang cà phê để về xây dựng xưởng rang lấy chứng chỉ HA-CCP rồi từng bước xây dựng thương hiệu cà phê Nguyễn Hân.
Mời chúng tôi thưởng thức một ly Robusta, anh Hân tiếp tục câu chuyện về cà phê: “Quá trình sản xuất ra cà phê sạch tưởng chừng như là dễ nhưng bắt tay vào thực hiện lại rất gian nan. Mình phải tìm hiểu kĩ biên độ nhiệt, độ ẩm, cách bón phân, chăm sóc cành, bẻ chồi sao cho phù hợp để cây cho ra sản lượng tốt nhất. Khác với cách làm cà phê truyền thống, cà phê sạch trước nhất là chăm sóc 100% hữu cơ. Cà phê được lựa chọn là những quả chín 100%. Qua các công đoạn như chọn lọc, phân loại, tách hạt, chọn size, phơi giàn,... thì mới ra được thành phẩm chất lượng. Trong quá trình rang không sử dụng các chất phụ gia để đảm bảo hương vị của cà phê”, anh Hân chia sẻ
Bắt tay vào sản xuất cà phê chất lượng cao, anh Hân cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là trong vòng 2 năm dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Bắt đầu năm 2019, những sản phẩm của anh từng bước tham gia vào các thị trường trong và ngoài tỉnh với thương hiệu “Nguyễn Hân Coffee Farm”. Nhưng đến năm 2020-2021 đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các sản phẩm của anh không thể ra được thị trường. Tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện nay sản phẩm của anh Hân đã bắt đầu có chỗ đứng trong thị trường, chủ yếu là ở TP.Hồ Chí Minh”.
“Trong hành trình xây dựng thương hiệu cà phê sạch mình may mắn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp, chính quyền địa phương. Đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ rất nhiều về tem truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch, bảo hộ độc quyền,... Hiện nay, sản phẩm “Nguyễn Hân Coffee Farm” đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh”, anh Hân chia sẻ.
Hướng đến thay đổi tư duy kinh tế của đồng bào DTTS
Khi “Nguyễn Hân Coffee Farm” đã có lượng khách ổn định. Anh Hân bắt đầu liên kết trồng cà phê với người dân ở làng, trong đó có các hộ dân là người đồng bào DTTS. Nhờ liên kết với các hộ dân anh đã nâng tổng diện tích cà phê hữu cơ 20 ha theo chuẩn VIETGAP.
Cùng chúng tôi đi thăm diện tích vườn cà phê ngay sau nhà, anh Hân chia sẻ: “Hiện nay mình đang liên kết với 10 hộ dân ở làng, trong đó có 5 hộ là người đồng bào DTTS tại chỗ. Với hi vọng giúp người dân thay đổi được tư duy sản xuất, thay thế việc canh tác truyền thống sang phương thức canh tác 100% hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây cà phê để cho ra sản phẩm chất lượng. Sản phẩm làm ra sẽ được chính mình thu lại, đồng thời mình cũng trợ giá cho người dân để giúp họ nâng cao thu nhập”.
“Lớn lên ở làng, gắn bó với người đồng bào DTTS từ thuở bé nên mình hiểu được nguyện vọng, tâm tư của bà con. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của bà con là ở việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, trồng cây nhưng ít chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách nên sản lượng không cao.Vì vậy, khi xây dựng được thương hiệu cà phê, đầu ra bắt đầu ổn định thì mình muốn lan tỏa nông sản sạch đến đông đảo bà con trong làng”, anh Hân chia sẻ thêm.
Tham gia liên kết mô hình chăm sóc cà phê chuẩn hữu cơ của anh Hân, anh Siu Miên ở cùng xã cũng đã chuyển đổi 3 ha cây cà phê chăm sóc theo hướng truyền thống sang 100% hữu cơ. Anh Siu Miên chia sẻ: Trước đây mình chăm sóc cà phê theo phương thức truyền thống, bón phân, bẻ chồi không đúng với KH-KT. Từ ngày liên kết trồng cà phê hữu cơ với anh Hân mình được dạy cách chăm sóc cà phê đúng quy trình, nhờ vậy tiết kiệm được nhiều chi phí. Sản lượng hạt cà phê qua mấy năm nay cũng đã tốt hơn trước, giá cả bán ra cũng cao hơn, nhờ vậy thu nhập cũng ổn định hơn trước kia.
Không chỉ lan tỏa phương thức làm nông nghiệp sạch đến với làng nghèo nơi mình sinh sống, anh Hân còn thường xuyên được mời đi tham dự các hội nghị, hội chợ, chương trình Starup,… Liên kết với các trường Đại học như Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), các trường dạy nghề,… để lan tỏa nông nghiệp sạch đến với các bạn sinh viên. “Mình nhận lời tham dự vào các trường để lan tỏa nền nông nghiệp sạch, cà phê sạch đến với các bạn sinh viên vì đây là lực lượng tri thức, các bạn sẽ tiếp cận rất nhanh và lan tỏa rất mạnh. Đây cũng là một trong những việc góp phần vào việc phát triển nông sản sạch, nông nghiệp sạch nói chung”, anh Hân chia sẻ.
6 năm - một hành trình dài chuyển mình, trải qua nhiều khó khăn, vất vả “Nguyễn Hân Coffee Farm” đã bắt đầu xây dựng được chỗ đứng trong thị trường trong và ngoài tỉnh. Nói về mong ước trong thời gian tới anh Nguyễn Hân hi vọng: “Mình mong phát triển được một vùng cà phê sạch đúng nghĩa. Từ đó giúp bà con nông dân, đặc biệt là người DTTS nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăm sóc cà phê để cây cho ra sản lượng tốt. Từ đó, giúp người dân kiếm được thu nhập trên chính vùng đất mình sinh ra".