Sản xuất cà phê thông qua hệ tiêu hóa động vậtTốt nghiệp cử nhân quản trị mạng loại giỏi, được nhà trường giữ lại công tác nhưng anh Nguyễn Bá Cừ lại quyết định thử sức mình với nhiều ngành nghề như: bán hàng, quản trị mạng, môi giới chứng khoán, rồi đến mô hình nuôi rắn ráo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không hài lòng với kết quả đạt được, năm 2013, anh Cừ dần chuyển qua nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn. Đây là mô hình tuy đã được nhiều người áp dụng, tuy nhiên ở mảnh đất Bình Phước chưa mấy người trải nghiệm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Cừ cho hay: Sản xuất cà phê chồn phụ thuộc vào mùa cà phê chín chứ không giống như theo kiểu cà phê truyền thống. Đến mùa cà phê chín rộ (khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm) tiến hành hái cà phê chín về cho chồn ăn. Để đảm bảo nguyên liệu sạch, chất lượng và không có hóa chất, anh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 2ha cà phê với người dân trong vùng với giá cao hơn thị trường nhằm đảm bảo những trái cà phê tươi ngon nhất. Ngay sau khi hái, các hạt cà phê chín mọng sẽ được vận chuyển về ngay trong ngày để đàn chồn hương ăn. Để đảm bảo dinh dưỡng cũng như sức khỏe của chồn, ngoài cà phê, chồn còn được bổ sung thêm một số thức ăn tươi như cháo gà, hột vịt lộn, cháo thịt cùng một số loại hoa quả như chuối, mít và các một số loại lá cây…
Sau khi chồn tiêu hóa, những hạt cà phê và thải ra, thì sẽ được phơi trong bóng râm trong 10 ngày. Theo anh Cừ nếu phơi trong nắng sẽ làm mất hương vị đặc biệt của cà phê chồn. Sau đó, các hạt cà phê sẽ được đập bỏ lớp vỏ ngoài, lấy phần ruột (là những hạt cà phê nguyên) đem phơi thêm 2 ngày nữa, rồi đem rang thủ công để trở thành loại cà phê thơm ngon mang đậm nét cà phê chồn hương. Anh Cừ chia sẻ: “Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều loại cà phê được sản xuất thông qua hệ tiêu hóa của động vật như cà phê voi, cà phê chim... Nhưng cà phê chồn vẫn là loại cà phê thông dụng và được nhiều người sành cà phê ưa chuộng và tìm mua.
Giá trị vượt trộiGiá trị của loại cà phê chồn không chỉ thể hiện ở chất lượng, hương vị mà cả về giá trị kinh tế nó mang lại cho người sản xuất và người thưởng thức cà phê. Hiện nay, gia đình anh Cừ có 50 cá thể chồn bố, mẹ lẫn chồn con. Mỗi cá thể chồn được xây dựng 1 chuồng riêng biệt với diện tích khoảng 1 đến 1,5m2. Thức ăn chủ yếu hằng ngày của chồn là cháo động vật và các loại trái cây. Chi phí để nuôi những chú chồn vào khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/1 con/ngày. Một năm những chú chồn chỉ “lao động” mang lại kinh tế cho chủ nhân chỉ khoảng 3 tháng, nhưng với 50 chú chồn của mình, mỗi năm anh Cừ thu được khoảng 500kg nguyên liệu cà phê. Theo anh Cừ, sau khi chế biến sẽ thu được từ 280 đến 300kg cà phê thương phẩm.
Do là cà phê nhà tự sản xuất nên giá bán hiện nay của anh khá rẻ so với giá thị trường, khoảng 3 triệu đến 4 triệu đồng/1kg, chỉ bằng 1/2 giá thị trường. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 500 đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, giá trị chồn hương thương phẩm, chồn giống mỗi năm cũng mang lại thu nhập cho gia đình anh cả trăm triệu đồng.
Sau 2 năm chịu khó sản xuất, kết hợp quảng bá và tạo dựng hình ảnh về sản phẩm cà phê chồn, đến nay cà phê chồn của anh Cừ đã được nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng đặt mua cà phê nguyên liệu hằng năm. Là người cũng có chút hiểu biết về cà phê, anh Cừ tự tin về chất lượng cũng như hương vị cà phê chồn do anh sản xuất. Hiện anh cũng đã có 2 trại chồn vệ tinh và sẽ tiếp tục nhân rộng thêm trong thời gian tới.
VĂN ĐOÀN